Cử tri tin tưởng, kiến nghị nhiều vấn đề đến Kỳ họp thứ năm của Quốc hội

12/05/2023 | 08:32 GMT+7

Trong các ngày 25 đến 26-4 và ngày 4 đến 5-5-2023, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.

Cử tri huyện Vị Thủy trình bày ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp Quốc hội giữa năm 2023. Ảnh: NHẬT TÂN

Khác với các lần dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lần này, đại biểu tiếp xúc với hình thức trực tiếp tại 8 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh, tổng số 1.388 cử tri tham gia, ghi nhận 162 ý kiến, kiến nghị, trong đó có nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Kiến nghị mở rộng đối tượng được công nhận thương binh

Cử tri nêu ý kiến: Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế, cho nên hệ thống luật pháp nói chung và pháp luật về hội nói riêng cần thể hiện được tính hội nhập, tôn trọng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế, trong đó có các quy định của pháp luật về hội. Hiện nay, đã nhiều hội được thành lập từ Trung ương đến địa phương, từ thực tế nêu trên, nhằm đảm bảo tốt sự quản lý của Nhà nước, hướng dẫn các hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo các cam kết quốc tế của Việt Nam, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung vào chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đối với dự án Luật về Hội.

Cử tri cũng thông tin, Pháp lệnh số 02 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công cách mạng, quy định: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thì được công nhận là thương binh. Ngoài quy định trên, hiện nay, những đối tượng tổn thương cơ thể từ 15% đến dưới 21% nhưng chưa có chế độ chính sách cho đối tượng này. Kiến nghị xem xét bổ sung nhóm đối tượng này được công nhận là thương binh, hoặc có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trên.

Theo bà con, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93 ngày 22-6-2015 của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, quy định: Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Kiến nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định trên là sau 3 tháng nghỉ việc (chứ không phải 12 tháng) mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì người lao động có thể làm thủ tục để nhận bảo hiểm xã hội một lần và được rút 100% tổng số tiền đã đóng hoặc đề nghị cho người lao động tự chọn phương án là rút một lần 100% hoặc tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi tham gia hợp đồng lao động trở lại.

Kéo dài thời gian gia đình mới thoát nghèo được hưởng chính sách tín dụng

Đối với Chính phủ, cử tri kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh, bổ sung chính sách về hỗ trợ cho vợ thương binh được hưởng bảo hiểm y tế và sau khi thương binh đó qua đời thì vợ thương binh được hưởng chế độ thờ cúng.

Về thời gian lao động, cử tri nêu ý kiến: Bộ luật Lao động năm 2019 quy định giờ làm việc: Số giờ làm tăng ca không quá 4 giờ/1 ngày, 40 giờ trong 1 tháng, 200-300 giờ trong 1 năm. Tuy nhiên, do đặc thù của số đơn vị sử dụng lao động sản xuất theo mùa vụ nếu theo quy định về giờ làm việc tăng ca như hiện tại thì đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn về vấn đề ùn ứ nguyên liệu. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét bỏ quy định số giờ làm việc tăng ca theo ngày, theo tháng, chỉ áp dụng quy định số giờ làm việc tăng ca trong 1 năm.

Cử tri còn gửi gắm thêm: Ngân sách Trung ương phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm tại các địa phương rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại các tỉnh, thành phố. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định bền vững; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm; bổ sung đối tượng cho vay hộ cận nghèo dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28 ngày 26-4-2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn từ năm 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025).

Kiến nghị Chính phủ cho phép các xã khu vực II, III khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn thời hạn 3 năm, nâng mức cho vay các chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ (hiện nay 50 triệu đồng hộ), chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn lên 20 triệu đồng/công trình (hiện nay 10 triệu đồng/công trình), chương trình đào tạo việc làm lên 200 triệu đồng/lao động (hiện nay 100 triệu đồng lao động).

Kiến nghị điều chỉnh thời gian, chương trình học tiểu học

Với các bộ, ngành, cử tri cũng quan tâm gửi gắm nhiều vấn đề. Trong đó, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét về hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Cử tri thông tin: Khoản 2, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tỉnh theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Tuy nhiên, theo Điều 58, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tại sao cùng hưởng trợ cấp một lần như nhau nhưng cách tính của người hưởng chế độ khi nghỉ hưu lại ít hơn? Kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh cách tính chế độ 2 đối tượng trên được hưởng như nhau.

Về bảo hiểm thất nghiệp, cử tri phản ánh thủ tục lãnh bảo hiểm thất nghiệp gây khó khăn cho người lao động khi nghỉ việc (phải ra Trung tâm giới thiệu việc làm ký hồ sơ mỗi tháng). Kiến nghị chỉ thực hiện một lần đầu tiên để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó các tháng tiếp theo sẽ được chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng.

Về lãi suất, cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể: Công nhân lao động ai cũng mong muốn khi về già được nhận lương hưu để đảm bảo cuộc sống nhưng để được lãnh lương hưu thì rất ít do số năm đóng không đủ, đủ số năm nhưng chưa đủ tuổi, tiền lương hưu thấp... Vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi nghỉ việc đa phần công nhân lao động sẽ chọn phương án này để trang trải cuộc sống và giải quyết vấn đề trước mắt nhưng đến khi không còn khả năng lao động thì không có nguồn tiền ổn định để đảm bảo cuộc sống khi về già.

Kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ xem xét có chính sách cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi để người lao động hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần và đảm bảo ổn định cuộc sống.

Về giáo dục và đào tạo, theo cử tri, hiện nay, tình trạng học sinh cấp tiểu học học hai buổi/ngày đã gây áp lực lớn đến học sinh và các bậc phụ huynh. Trong số các bậc phụ huynh chia sẻ, thời gian phải đưa đón học sinh cấp tiểu học 4 lần/ngày gây ảnh hưởng lớn đến điều kiện sản xuất, kinh doanh của gia đình; hiện nay trên địa bàn ở nông thôn, đa phần không có bán trú, do vậy, việc đưa đón học sinh gặp rất nhiều khó khăn, các phụ huynh chủ yếu là nông dân, nhà ở xa trường. Không chỉ khó khăn trong việc đưa đón, chăm sóc, quản lý, mà còn ảnh hưởng tâm lý về lâu dài, vì chế độ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh thời gian, chương trình học của học sinh cấp tiểu học phù hợp.

Qua ghi nhận và đánh giá của Đoàn, cử tri và Nhân dân Hậu Giang vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều quyết sách quan trọng đổi mới để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Tuy nhiên, bà con cũng rất lo ngại, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng giá cả số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng tăng cao trong khi đó một số loại nông sản, hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được, nếu tiêu thụ được thì bán giá không cao, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Tình trạng tiêu cực và tham nhũng thường xuyên xảy ra đã gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại.

 

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>