Tương lai Sudan vẫn mờ mịt

17/04/2024 | 09:56 GMT+7

Hơn một năm xung đột diễn ra tại Sudan đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hơn 8,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm được hồi kết.

Người tị nạn Sudan tại một bệnh viện ở Adre, Chad. Ảnh: REUTERS

Hôm 15-4 đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột đẫm máu tại Sudan giữa Quân đội nước này và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Theo số liệu chưa đầy đủ, cuộc xung đột này đã khiến gần 15.000 người thiệt mạng, 8,5 triệu người phải di dời, trong đó 1,8 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng. Giới quan sát cho rằng, đây đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất và phức tạp nhất thế giới. Trong khi đó, mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tới nay đều lâm vào bế tắc.

 Hiện cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 2 nhưng quốc gia Bắc Phi này vẫn đứng trước tương lai bất định khi lập trường của các bên tham chiến vẫn cách xa nhau.

Anh Mohamed Ismail, một người chạy nạn cho biết: “Tôi và bọn trẻ rời Sudan, đi theo con đường ven biển và lên những chiếc ô tô chở lậu người sang Ai Cập. Điều chúng tôi quan tâm hơn cả lúc này là đủ ăn cho bọn trẻ và đảm bảo chúng được an toàn”.

Theo Trưởng Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Sudan, chiến tranh đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo và di dời tồi tệ nhất trên thế giới, song đây cũng là một trong những cuộc khủng hoảng bị lãng quên bất chấp những tác động, hậu quả và sự đau khổ mà nó gây ra cho người dân Sudan. LHQ cho biết: “Tổng cộng khoảng 3,7 triệu trẻ em đang bị suy dinh dưỡng trên khắp nước này. Trong số này, ước tính có khoảng 730.000 trẻ em đang bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Ngoài ra còn có hơn 7.000 bà mẹ mới sinh có thể chết ở Sudan nếu không nhận được hỗ trợ khẩn cấp trong những tháng tới. Những con số này chỉ nói lên một nửa câu chuyện. Mỗi gia đình phải chịu đau khổ vì cuộc chiến đang diễn ra sẽ sống mãi với ký ức cay đắng về những khó khăn cùng cực”.

Mới đây, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu đồng chủ trì một hội nghị quốc tế về hòa bình Sudan ở thủ đô Paris nhằm thúc đẩy việc chấm dứt xung đột và tăng cường nguồn viện trợ cho Sudan. Hiện các bên mới chỉ huy động được 6% trong tổng số 2,7 tỉ USD cần cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nếu giao tranh không dừng lại và việc tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo tiếp tục bị cản trở, cuộc khủng hoảng ở Sudan sẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Trước đó, cả Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), ông Moussa Faki Mahamat đều kêu gọi dừng các hành động thù địch ở Sudan trong tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên các lời kêu gọi này đều không nhận được sự hồi đáp tích cực của các bên. Xung đột giữa quân đội Sudan và RSF đang đẩy quốc gia Bắc Phi vào một tương lai bất định.

Giới quan sát nhận định, mặc dù được nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan hỗ trợ tìm giải pháp hòa đàm để chấm dứt nội chiến nhưng hơn 1 năm xung đột nổ ra ở Sudan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là tín hiệu rất xấu dự báo quốc gia Bắc Phi này sẽ còn khủng hoảng trầm trọng hơn. Điều này đồng nghĩa với cuộc sống của người dân nơi đây sẽ càng khó khăn hơn nếu không có giải pháp hòa bình.

Xung đột giữa Quân đội Sudan và RSF nổ ra từ ngày 15-4-2023 đến nay đã khiến hơn 15.000 người thiệt mạng, 8,5 triệu người phải di dời, trong đó 1,8 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng. Đáng quan ngại có gần 25 triệu người, tương đương 50% dân số của quốc gia Đông Bắc Phi này cần được viện trợ.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>