Tín hiệu khả quan để phục hồi JCPOA

24/02/2021 | 16:57 GMT+7

Nối lại JCPOA giữa Mỹ - Iran đang là vấn đề được thế giới quan tâm gần đây khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhưng xem ra tiến trình này cũng còn lắm nhiêu khê.

Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở làm giàu urani ở Isfahan, Iran.  Ảnh: AFP

Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) từ năm 2015. Tuy nhiên, sau đó vào năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA với cáo buộc Iran không tuân thủ thỏa thuận, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Kể từ đó mặc dù các quốc gia còn lại và cả Liên minh châu Âu nỗ lực giải cứu JCPOA nhưng chưa thành công.

Thời gian gần đây, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức bằng những tín hiệu khả quan nối lại đàm phán giữa các bên liên quan, JCPOA lại được nhen nhóm sống lại. Đáng chú ý là Iran đã cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát các nhà máy hạt nhân của nước này. Mới đây, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết đã đạt được một “giải pháp tạm thời” kéo dài 3 tháng với Iran để cho phép IAEA tiếp tục thực hiện công tác thanh sát hạt nhân ở nước Cộng hòa Hồi giáo này, dù mức độ tiếp cận sẽ bị hạn chế kể từ ngày 23-2. Ông Grossi cũng nhận định thỏa thuận sơ bộ này là kết quả tích cực sau “quá trình tham vấn rất tích cực” với giới chức Iran, từ đó có thể thúc đẩy các cuộc thảo luận chính trị ở các cấp độ khác.

Thỏa thuận được phép thanh sát của IAEA với Iran được cho là thỏa thuận hiếm hoi trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, từ năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran gần như hạn chế việc thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của nước này. Gần đây nhất, hồi tháng 12-2020, Quốc hội Iran đã thông qua Dự luật “Kế hoạch hành động chiến lược chống trừng phạt” (SAPCS), cho phép nhánh hành pháp của nước này ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung từ ngày 23-2-2021 nếu các lệnh trừng phạt đối với Tehran cần được dỡ bỏ theo quy định của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn còn hiệu lực.

Trước động thái này, chính phủ Pháp, Anh và Đức đã kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với IAEA và đảo ngược những bước đi làm giảm tính minh bạch. Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Pháp, Anh và Đức nêu rõ: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng Iran đã bắt đầu đình chỉ Nghị định thư Bổ sung và những biện pháp minh bạch trong khuôn khổ JCPOA. Chúng tôi hối thúc Iran chấm dứt và đảo ngược mọi biện pháp làm giảm tính minh bạch, đồng thời đảm bảo sự hợp tác đầy đủ và kịp thời với IAEA”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Iran tiếp tục hợp tác với IAEA, đồng thời cho rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo đang xa rời nghĩa vụ tuân thủ các cam kết hạt nhân. Mỹ và các đồng minh châu Âu nói trên hối thúc Iran “cân nhắc hậu quả của các hành động như vậy, đặc biệt là vào thời điểm xuất hiện cơ hội ngoại giao mới”. Bốn Ngoại trưởng cũng bày tỏ quan ngại về những hành động gần đây của Iran làm giàu urani tới cấp độ 20% và sản xuất urani.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng thảo luận với Iran về JCPOA. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố nếu Iran tuân thủ nghiêm các cam kết trong JCPOA, Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận với Iran theo hướng này. Ngoài ra, các Ngoại trưởng cũng quan tâm đến việc tham vấn và phối hợp với Trung Quốc và Nga về vấn đề an ninh quan trọng này, cũng như việc công nhận vai trò của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là điều phối viên của Ủy ban chung.

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh: “Thay vì dồn trách nhiệm vào Iran, các nước châu Âu cần tuân thủ cam kết và yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump”. Ông khẳng định các biện pháp của Iran chỉ nhằm đáp trả các hành vi vi phạm của Mỹ, Anh, Pháp, Đức trong thỏa thuận.

Giới quan sát nhận định, mặc dù vẫn còn những bất đồng trong quan điểm nhưng những tín hiệu “mềm mỏng” của Mỹ, các quốc gia liên quan gần đây cho thấy JCPOA có thể được phục hồi trong tương lai mặc dù còn lắm nhiêu khê.

IAEA cho biết, kho lưu trữ urani được làm giàu của Iran hiện đã chứa gấp hơn 14 lần mức quy định theo JCPOA. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này có thể làm giàu urani có độ tinh khiết lên tới 60% trong trường hợp cần thiết và Tehran sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ đối với hoạt động phát triển hạt nhân. 

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>