Thêm hàng triệu người thất nghiệp vì Covid-19

08/04/2020 | 17:02 GMT+7

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khả năng có thêm gần 195 triệu người thất nghiệp trong quý II này, vượt xa con số 25 triệu người được dự báo ở tuần trước.

Người Mỹ xếp hàng để đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp ở Las Vegas, bang Nevada. Ảnh: AP

Báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho thấy, đại dịch Covid-19 là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2”. ILO ước tính cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II/2020, tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. Dự báo, có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (tương đương với 3,3 tỉ người) đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Điều này cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19.

Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Arab (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian), châu Á-Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian) và châu Phi, vốn dĩ đa phần là người nghèo.

Nếu chia theo mức thu nhập, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất khi mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian.

Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.

Theo các chuyên gia của ILO, con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn tiến sắp tới và các biện pháp giải cứu của từng quốc gia. Tuy nhiên, khả năng cao là con số tổng kết cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của ILO là 25 triệu người thất nghiệp.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng: “Cùng với khủng hoảng y tế toàn cầu, dịch Covid-19 sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng thị trường lao động nghiêm trọng và gây ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu lao động trên thế giới”. Nếu so sánh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã làm 22 triệu người thất nghiệp trên thế giới thì dịch Covid-19 sẽ làm số người thất nghiệp tăng gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, năm 2008-2009 nhờ thế giới đã đoàn kết để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên điều tồi tệ nhất đã được đẩy lùi. Trong đại dịch Covid-19, nếu chính phủ các nước phối hợp hành động nhanh chóng như năm 2008 thì tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu có thể thấp hơn đáng kể. ILO ước tính năm 2020, thu nhập của người lao động trên thế giới sẽ giảm 3,4 nghìn tỉ USD.

Mặc dù nạn thất nghiệp do tác động của dịch Covid-19 sẽ lan tỏa khắp thế giới nhưng chịu ảnh hưởng và tổn thương nặng nhất vẫn là châu Phi. Trong nghiên cứu dài 35 trang, Liên minh châu Phi (AU) cho biết gần 20 triệu việc làm chính thức và phi chính thức ở châu Phi đang bị đe dọa nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Các nước phụ thuộc chủ yếu vào du lịch và sản xuất dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nghiên cứu của AU phác thảo hai kịch bản về diễn biến của đại dịch Covid-19. Kịch bản đầu tiên có nhiều khả năng xảy ra dự báo dịch Covid-19 kéo dài đến tháng 7, nhưng châu Phi “không bị ảnh hưởng nhiều” và kịch bản thứ hai “bi quan” khi dự báo dịch bệnh kéo dài đến tháng 8 và châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Với kịch bản đầu tiên, nền kinh tế châu Phi có thể sẽ suy giảm 0,8%, trong khi với kịch bản thứ hai, con số này có thể là 1,1%. Cả hai tỷ lệ này đều giảm mạnh so với mức dự báo tăng trưởng 3,4% mà Ngân hàng Phát triển châu Phi đưa ra trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Để đối phó với tình trạng thất nghiệp đang diễn ra toàn cầu với quy mô lớn do dịch Covid-19 gây ra, ILO đã đề xuất các quốc gia cần có các biện pháp, chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào bốn trụ cột: hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp.

Ông Guy Ryder nhận định: “Đây là bài kiểm tra quan trọng nhất trong hơn 75 năm về năng lực hợp tác quốc tế. Nếu chỉ một quốc gia thất bại, thì tất cả chúng ta sẽ đều thất bại. Vì vậy, các quốc gia cần hướng tới xây dựng những hệ thống mới tốt hơn, an toàn hơn, công bằng hơn và bền vững hơn so với những nền tảng trước đây”.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>