Mỹ gặp khó khi trừng phạt Nga

27/07/2017 | 08:55 GMT+7

Việc Mỹ lên tiếng sẽ thông qua dự luật gia tăng lệnh trừng phạt Nga không chỉ vấp phải phản ứng của Matxcơva mà còn nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker trong cuộc họp báo công bố một dự luật tại Washington, DC. ngày 13-7. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù giới chức Mỹ khẳng định ủng hộ dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang được Quốc hội Mỹ xúc tiến thông qua, tuy nhiên dự luật này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quốc gia liên quan. Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nói tới việc đạt được thỏa thuận về dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bởi lẽ vẫn còn “một số công việc cần được thực hiện”. Ông hy vọng các bất đồng liên quan tới dự luật sẽ sớm được giải quyết song không đề cập cụ thể thời hạn.

Trước đó, bản dự thảo dự luật này đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối tại Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu hôm 15-6 vừa qua, song chưa được bỏ phiếu tại Hạ viện sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối một số điều khoản. Trong đó có việc yêu cầu tổng thống phải được Quốc hội đồng ý trước khi nới lỏng bất kỳ hình phạt nào áp dụng đối với Nga. Việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Nga có vẻ trái với mục tiêu của Washington. Bởi hơn 6 tháng cầm quyền, Tổng thống Trump vẫn luôn đặt ưu tiên xây dựng một mối quan hệ xích lại gần hơn với Nga.

Trong một động thái liên quan, Chính phủ Đức đã lên tiếng yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) đưa thêm 4 cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt vì liên quan tới việc 4 tuốc bin khí của Tập đoàn Siemens được nhập trái phép vào Crimea, khu vực vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của EU. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, bà Ulrike Demmer, Tập đoàn Siemens cho biết họ có bằng chứng cho thấy cả 4 tuốc bin khí này, vốn được bàn giao cho một dự án ở miền Nam nước Nga, đã được chuyển trái phép tới Crimea trong mùa Hè năm 2016.

Đáp trả những động thái trên, Nga cảnh báo việc Mỹ tiếp tục có những động thái nhằm đe dọa trừng phạt Nga sẽ làm tổn hại lợi ích của cả hai bên. Washington sẽ gánh chịu hậu quả khi siết chặt trừng phạt. Matxcơva cũng đang có kế hoạch trả đũa thích đáng lệnh trừng phạt trên đối với Washington.

Còn về phía EU, nếu như trước đây cả EU và Mỹ đều áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này hồi năm 2014 cũng như cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine thì lần này các nước Bắc Âu đang tìm cách bảo vệ Nga vì nguồn cung cấp khí đốt mà họ đang phụ thuộc vào nước này. Nhiều khả năng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp EU có liên quan tới Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự án trị giá 9,5 tỉ USD nhằm đưa khí đốt Nga đi qua khu vực Baltic, trong đó có Tập đoàn dầu khí Wintershall và Công ty kinh doanh dầu Uniper của Đức, Tập đoàn Anh-Hà Lan Royal Dutch Shell của Hà Lan, Tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp. Ông Markus Beyrer, Giám đốc Business Europe - tổ chức vận động hành lang thương mại chính của EU, đã kêu gọi Washington ngăn chặn các hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực chủ yếu đối với EU cũng như người dân và các doanh nghiệp của khối này.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker kêu gọi EC nhanh chóng thảo luận về vấn đề này. Trong đó, nhà lãnh đạo EC nhấn mạnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU” cho nên EU có thể sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả Mỹ trong trường hợp chính quyền Washington áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới với Nga.

Thực tế, việc EU không đồng thuận với Mỹ hiện nay không phải xuất phát từ bảo vệ Nga, thậm chí cũng không phải là vì mức độ trừng phạt Nga nặng hay nhẹ mà thực chất là bảo vệ quyền lợi của chính họ. Bởi lẽ, các quyết định từ phía Mỹ nhằm vào Nga sẽ đe dọa lợi ích của các công ty năng lượng châu Âu, vì thế, họ tỏ thái độ bênh vực Nga. Suy cho cùng, các nước EU phản ứng lại lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Chính điều này là trở lực lớn khiến dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khó thành hiện thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>