Mỹ - Anh tấn công Houthi: Yemen lâm vào khủng hoảng mới

18/01/2024 | 08:11 GMT+7

Bức xúc trước nạn tàu hàng đi qua Biển Đỏ liên tục bị tấn công, Mỹ và các quốc gia liên quan đã tấn công lực lượng Houthi tại Yemen.

Tàu sân bay của Mỹ. Ảnh: US NAVY  

Theo lực lượng quân đội Mỹ, tính đến giữa tháng 1, Houthi đã tấn công 27 cuộc nhằm vào các tàu thuyền đi qua Biển Đỏ đã gây ảnh hưởng tới hơn 50 quốc gia. Mới đây nhất, Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ xác nhận, lực lượng Houthi ở Yemen đã tấn công tàu chở container M/V Gibraltar Eagle của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo chống hạm. Nhưng không có báo cáo về thương vong hay thiệt hại đáng kể. Houthi chưa lên tiếng về sự việc. Chủ sở hữu tàu bị tấn công - công ty Eagle Bulk Shipping có trụ sở tại Mỹ cũng chưa đưa ra phản ứng tức thì về thông tin này.

Trong khi đó, cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO), do hải quân Anh điều hành ngày 15-1 cũng thông báo về sự việc một tàu bị trúng tên lửa từ trên cao cách thành phố Aden chỉ 95 hải lý về phía Đông Nam song không tiết lộ tên con tàu.

Phía Houthis ngoài việc cam kết đoàn kết với Phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine, lực lượng này cũng tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào các tàu buôn đi qua vịnh Aden cho đến khi Israel ngừng giao tranh với Hamas. Chỉ huy cấp cao của Houthi thông báo rằng, lực lượng này đang tiến hành tập kích phương tiện của Mỹ và Anh trên Biển Đỏ nhằm đáp trả vụ không kích ở Yemen.

Chính những động thái trên, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào hàng chục mục tiêu liên quan đến Houthi ở Yemen trong vài ngày qua. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố, Washington chỉ muốn ngăn chặn các tay súng Houthi tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ. Ông Kirby nhấn mạnh Mỹ không muốn hoạt động của nước này ở Biển Đỏ biến thành xung đột với Yemen.

Khi được hỏi về diễn biến của chiến dịch, ông Kirby cho rằng, các cuộc không kích của Mỹ nhằm mục đích “làm suy yếu” khả năng tiến hành các cuộc tấn công khác của Houthi.

Các quan chức Mỹ cũng cho biết, Hà Lan, Australia, Canada và Bahrain đã hỗ trợ hậu cần và tình báo cho chiến dịch này. Ngoài ra, Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc đã ký vào tuyên bố chung với 6 quốc gia kể trên để biện minh cho các cuộc không kích và cảnh báo về các hành động tiếp theo để bảo vệ thương mại qua Biển Đỏ nếu Houthi không chịu lùi bước.

Tuy nhiên, tờ New York Times hôm 13-1 lại cho rằng, hoạt động quân sự của Mỹ và Anh đã không gây ra tổn thất lớn cho Houthi. Theo tờ báo, chỉ có khoảng 25% tài sản của Houthi đã bị phá hủy.

Chiến dịch tấn công của Mỹ và Anh nhằm vào Houthi cũng đang bị dư luận trái chiều. Nga chỉ trích các hoạt động của Mỹ và Anh là “bất hợp pháp” do thiếu sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Mỹ và Anh đang tìm cách biến Biển Đỏ thành “biển máu”.

Trong một động thái liên quan, ông Kirby thừa nhận Washington không loại trừ khả năng sẽ phải chứng kiến Houthi tiến hành một cuộc tấn công trả đũa và đang “theo dõi tình hình rất chặt chẽ”. Ông cho rằng, một số “biện pháp phòng ngừa cần thiết” cũng đã được thực hiện, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Từ việc bảo vệ các tàu hàng đi qua Biển Đỏ tránh các cuộc tấn công đã biến thành kịch bản tấn công phủ đầu lực lượng Houthi ở Yemen của Mỹ, Anh và một số nước phương Tây đã châm ngòi cho cuộc xung đột mới bùng phát. Đây sẽ là cuộc chiến cam go đầy chết chóc và khó tìm được giải pháp hòa bình. Điều này đồng nghĩa một cuộc chiến mới tại Yemen khơi mào. Nó sẽ khiến quốc gia Trung Đông này vốn dĩ đã nghèo khó vì chiến tranh, dịch bệnh nay lại càng khốn khó hơn.

Quân đội Mỹ vừa thông báo phá hủy 4 tên lửa chống hạm mà Houthi chuẩn bị phóng từ một địa điểm ở Yemen nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ. Những tên lửa này chuẩn bị được phóng từ vị trí Houthi kiểm soát ở Yemen, tạo ra mối đe dọa cận kề đến tàu hàng và tàu hải quân Mỹ tại khu vực.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>