“Chảo dầu” Trung Đông sắp nổ

07/01/2020 | 18:02 GMT+7

Việc Mỹ không kích giết hại Tướng Iran trên lãnh thổ Iraq không chỉ làm cho quan hệ thù địch giữa Washington và Tehran gia tăng mà còn bùng phát làn sóng bài xích Mỹ tại Trung Đông.

Người biểu tình cầm ảnh thiếu tướng Qasem Soleimani trong một cuộc biểu tình ở Tehran, Iran sau vụ Mỹ không kích tiêu diệt vị tướng này.  Ảnh chụp màn hình Bloomberg.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran sau vụ sát hại Tướng Soleimani đã ở vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” mà bất kỳ bước đi vượt “giới hạn đỏ cuối cùng” của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho rằng việc sát hại vị tướng quyền lực nhất của Iran Soleimani là “vụ ám sát chính trị” đánh dấu bước chuyển về chính sách của Mỹ bằng cách leo thang căng thẳng từ cuộc xung đột vốn bị coi là “chiến tranh ủy nhiệm” và qua đó đặt ra mối nghi ngờ về khả năng tiếp tục duy trì binh sĩ của Mỹ ở Iraq. Điều này đồng nghĩa Iraq phải đối mặt với sự nghi kỵ của Iran và nhiều khả năng Tehran sẽ quay lưng lại với đồng minh này nếu Baghdad không có phản ứng bài xích Mỹ.

Sau vụ việc trên, động thái trả đũa đầu tiên của Iran chính là tuyên bố mạnh mẽ trả thù Mỹ bằng vũ lực. Tại Iran, lễ tang Tướng Qasem Soleimani diễn ra ngày 6-1 đã biến thành một cuộc “biểu dương lực lượng” với sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Các nhân vật cấp cao nhất của Iran cũng liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về hành động “trả thù” mạnh mẽ nhất nhằm vào Mỹ, với cảnh báo rằng Washington sẽ phải đối mặt với “ngày đen tối”. Tất cả như phát đi một thông điệp đặc biệt cứng rắn đối với Mỹ.

Tiếp sau đó, Iran đã tuyên bố sẽ rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Đồng thời lên tiếng chỉ trích các quốc gia liên quan và châu Âu thiếu trách nhiệm với JCPOA và đẩy Iran vào tình thế khó khăn. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo Iran sẽ làm giàu nhanh urani để phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó Mỹ.

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra cảnh báo về một phản ứng “không cân xứng” với Iran nếu các mục tiêu của Mỹ bị tấn công. Ông Trump cho biết, cảnh báo này của ông cũng là 1 thông báo gửi tới Quốc hội Mỹ, rằng chính quyền Mỹ sẽ hành động nhanh chóng để phản ứng lại những đe dọa của Iran nếu công dân hay các mục tiêu của Mỹ bị Tehran tấn công.

Trong một động thái liên quan, Quốc hội Iraq vừa kết thúc phiên họp bất thường với đa số trong khoảng 180 nhà lập pháp có mặt đã ủng hộ việc thông qua Nghị quyết “cấm cửa” quân đội nước ngoài hiện diện tại quốc gia này. Nghị quyết này đang chờ Chính phủ Iraq thông qua. Phản ứng trên của Iraq đã phần nào đúng với kịch bản của Iran khi tân Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Esmail Qaani tuyên bố muốn trục xuất Mỹ khỏi khu vực sau khi người tiền nhiệm của ông là Thiếu tướng Qasem Soleimani bị sát hại.

Ngay lập tức, phía Mỹ đã có phản ứng đe dọa sẽ áp dụng “đòn trừng phạt lớn đối với Iraq”. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ không rút quân khỏi Iraq cho tới khi chính quyền Baghdad phải thanh toán chi phí cho việc duy trì Căn cứ quân sự Balad mà các lực lượng Mỹ đồn trú lâu nay tại nước này. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, Mỹ đã chi hàng tỉ đô la để xây dựng căn cứ Balad, với giao ước nếu Iraq “bẻ kèo” phải thông báo trước cho phía Mỹ ít nhất một năm. Tổng thống Trump đồng thời đe dọa sẽ áp dụng “đòn trừng phạt lớn mà Iraq chưa từng thấy trước đây”, thậm chí cứng rắn hơn các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, nếu Iraq ép buộc các lực lượng Mỹ phải rút quân và không thanh toán kinh phí cho căn cứ Balad.

Trước những diễn biến “căng như dây đàn” trên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, những căng thẳng địa chính trị đang ở mức cao nhất trong thế kỷ này. Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, “chảo lửa căng thẳng hiện nay” đang khiến ngày càng nhiều quốc gia đưa ra những quyết định khó lường, với những hậu quả không thể dự đoán được và nguy cơ sâu sắc của những tính toán sai lầm. Đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng leo thang căng thẳng, kiềm chế tối đa và bắt đầu đối thoại.

Những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran gần đây đã làm cho “chảo dầu” Trung Đông ngày càng nóng hơn và nguy cơ sẽ nổ tung bất cứ lúc nào nếu không có giải pháp kiềm chế kịp thời của các quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>