2023 - Năm đột phá của trí tuệ nhân tạo

31/12/2023 | 14:14 GMT+7

AI hay trí tuệ nhân tạo, được nhà xuất bản từ điển danh tiếng Collins (Anh) chọn là từ khóa của năm nay.

Ảnh: Linkedin

Năm qua, thế giới đã chứng kiến bước tiến vượt bậc về khả năng của AI và việc sử dụng công nghệ này thông qua chatbot, nhân bản giọng nói, ứng dụng video... Công nghệ mang tính đột phá này tập trung ở một số công ty, quốc gia và được sử dụng hữu ích trong các lĩnh vực y tế công, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu...

Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo nổi lên thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Cùng với tiềm năng ứng dụng vô cùng rộng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, AI cũng tạo ra các rủi ro cao về an ninh, an toàn, buộc các quốc gia và tổ chức quốc tế phải gấp rút tìm kiếm biện pháp kiểm soát.

Sự ra đời và tạo cơn sốt toàn cầu đầu năm nay của ChatGPT, phần mềm AI tạo sinh của công ty OpenAI, được xem là cột mốc thay đổi nhận thức của nhiều người về trí tuệ nhân tạo. Đây không còn là những ứng dụng công nghệ phục vụ một cách bị động yêu cầu của người dùng mà đã tiến hóa đến một cấp độ cao hơn, đó là bắt đầu có các “tư duy sơ cấp” chủ động, có khả năng liên kết siêu dữ liệu, tự phát triển nhận thức và tiến hóa thông qua tương tác với chính người dùng.

Bên cạnh những lợi ích tiềm năng to lớn, AI cũng bắt đầu tạo ra lo ngại. Tác hại tiềm tàng của AI làm gia tăng những quan ngại nghiêm trọng về thông tin sai lệch, tư tưởng phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, gian lận và nhiều hành vi vi phạm quyền con người.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình ngôn ngữ AI mã nguồn mở mang tên Llama 2 của Tập đoàn Meta (chủ sở hữu của Facebook và Instagram) có chỉ số minh bạch cao nhất, song chỉ đáp ứng các tiêu chí về minh bạch ở mức 54%.

Các nhà khoa học của Đại học Stanford (Mỹ) đưa ra kết luận rằng, các mô hình AI thường thiếu tính minh bạch khi rất ít thông tin về cách thức thiết lập hoạt động của mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình ngôn ngữ AI mã nguồn mở mang tên Llama 2 của Tập đoàn Meta (chủ sở hữu của Facebook và Instagram) có chỉ số minh bạch cao nhất, song chỉ đáp ứng các tiêu chí về minh bạch ở mức 54%.

Đứng theo sau là mô hình GPT-4 của OpenAI và mô hình PaLM 2 của Google. Theo các nhà nghiên cứu, không tập đoàn công nghệ AI nào cung cấp thông tin về số lượng người dùng phụ thuộc vào mô hình AI mà họ chế tạo. Ngoài ra, phần lớn công ty AI không tiết lộ số lượng tài liệu có bản quyền được sử dụng trong việc thiết lập và vận hành mô hình AI.

Trước các thách thức về việc AI có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát, tác động tiêu cực đến con người, cộng đồng thế giới trong năm nay đã tăng tốc kiểm soát việc phát triển và sử dụng AI.

Giáo sư Arjan Durresi, nhà nghiên cứu về khoa học máy tính, cho biết: “Tôi muốn dùng một phép ẩn dụ bằng cách so sánh trí tuệ nhân tạo với một đứa bé đang chuẩn bị trở thành người lớn. Chúng ta phải dạy nó trách nhiệm và không làm những điều có hại cho con người. Chúng ta phải đặt ra những tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo, huấn luyện nó trở nên an toàn, đáng tin cậy”.

Cuối tháng 10, Liên Hiệp Quốc công bố thành lập Ban cố vấn AI, với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, có nhiệm vụ đưa ra hướng quản lý AI ở tầm quốc tế.

Ít lâu sau, lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an toàn AI được tổ chức tại Anh, thông qua Tuyên bố Bletchley... cam kết thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và hợp tác quốc tế trong sử dụng và nghiên cứu AI an toàn.

Cũng từ Hội nghị này, các nước đã đề ra nguyên tắc kiểm soát AI “an toàn từ thiết kế” hay việc các nhà phát triển AI cam kết cho phép các chính phủ kiểm tra mức độ an toàn của các công nghệ AI trước khi công bố ra công chúng.

Cuối năm 2023, EU đạt được thỏa thuận chính trị về các điều khoản trong dự thảo Đạo luật AI. Đây sẽ là đạo luật đầu tiên và đầy đủ nhất về AI được triển khai trên thế giới.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>