Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Đường bộ và phương tiện giao thông bộ vào buổi đầu

05/04/2024 | 05:34 GMT+7

Kinh xáng Xà No hoàn thành năm 1903, kích thích sự ra đời của mạng lưới đường bộ sơ khai ở vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu. 

Một chiếc xe đò ở Vị Thanh - Hỏa Lựu xưa (ảnh tư liệu).

Đất được xáng thổi lên thành bờ cao hai bên kinh, các khu gia cư dần mọc lên. Việc giao lưu đi lại dễ dàng bằng đường đất nối liền nhau. Vào lúc các kinh nhánh đào sâu vô trong ruộng, lại hình thành những xóm, ấp mới. Đường lộ đất, dần thành đường mòn. Từ giai đoạn này, vùng Hỏa Lựu - Vị Thanh ra đời những cây cầu đầu tiên; dân gian thường gọi là cầu khỉ, kết nối những bờ kinh làng quê sông nước.

Cầu khỉ, ám chỉ loại cầu khó đi, bởi sự gập ghềnh, lắt lẻo. Loại cầu này được bắc bằng thân cây tre hoặc trâm bầu, nên đặt nằm trên 2 trụ nạng xốc xuống đáy rạch (kinh) cho vững. Thân cầu không buộc dây, không đóng đinh để khi ghe lớn đi tới có thể dỡ lên, qua được. Tiến xa hơn loại cầu khỉ, là cây cầu ván đóng đinh, dễ đi. Về sau, có thể xe hai bánh qua lại được, nhưng chân và thân cầu phải được lắp dựng vững chắc.

Giai đoạn phát triển đầu tiên về giao thông bộ ở Vị Thanh - Hỏa Lựu là sự hình thành tuyến đường bộ Cần Thơ - Rạch Giá, gọi là “Liên tỉnh lộ 12”, đi qua Vị Thanh - Hỏa Lựu, với cây Cầu Đúc bề thế. Đây là tuyến đường cho xe chạy đầu tiên nối tỉnh Rạch Giá ra bên ngoài, theo hướng Cần Thơ, phá thế cô lập với lục tỉnh. Tất nhiên, vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu được hưởng lợi nhiều từ công trình này.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, từ năm 1898-1909, tuyến liên tỉnh lộ đã trải đá đoạn Rạch Giá - Minh Lương 17km, tiếp theo là đoạn Minh Lương - Áp Lục hoàn thành năm 1915; rồi đoạn Áp Lục - Gò Quao dài 4,8km được đắp đất, trải đá năm 1915. Đến đoạn đường gần bờ rạch Cái Tư, thì ngưng lại chờ bắc cầu.

Sách “Hiền Năng Gia Huấn” (Sài Gòn - Imprimerie de lunion - 1936), ghi lại: Sở Trường Tiền Pháp ở Rạch Giá ngán ngại làm đoạn đường Long Mỹ - Vị Thanh, do nhiều rừng bụi, cây cao, cọp dữ hay rình rập, rất khó phóng đường, huy động dân phu đắp lộ. Vì vậy, năm 1913, viên chủ tỉnh Pháp Chassaing ở Rạch Giá, quyết định giao công trình làm đoạn đường này cho ông Phủ Hàm Năng (tức Nguyễn Hiền Năng), xã trưởng xã Vĩnh Tường, là dân địa phương quận Long Mỹ phụ trách.

Nhận nhiệm vụ, ông Xã Năng mới nghĩ ra cách: Treo cây đèn măng xông lên một cây dương cao, từ phía Giồng Sao - Vĩnh Tường (Long Mỹ), nhắm hướng chợ Cái Nhum (Vị Thanh) nên phóng lộ thành công. Nhờ đó, ông Xã Năng được giao trông coi luôn việc đào kinh Mương Lộ, lấy đất đắp đường; nối thẳng, gặp bờ kinh Xà No đoạn chợ Cái Nhum, thẳng tới bờ rạch Cái Tư.

Tiếp nối, công trình xây cầu bắc qua rạch Cái Tư cũng được người Pháp ráo riết xây dựng. Chưa thấy tài liệu ghi nhận cầu này được xây từ năm nào? Đơn vị thi công ở đâu tới và các thông số kỹ thuật ra sao? Nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, đối chiếu tư liệu, cho thấy: Theo kỹ thuật hiện đại, cầu xây bằng bê tông, cốt thép.

Theo các vị cao niên mô tả: Cầu dài khoảng 300 thước, hai nhịp từ bờ phía Gò Quao và phía Hỏa Lựu nhô ra thì đúc bằng “bê tông ạc mê”, nên dân gian đặt gọi tên Cầu Đúc. Ở nhịp giữa làm bằng sắt, lót ván điều khiển quay được cho tàu, bè lớn qua lại. Để thông tuyến Liên tỉnh lộ 12, chính quyền Pháp còn xây dựng các cây cầu Rạch Gốc, Cái Sình, Cầu Lẫm...

Từ năm 1920 - 1926, tuyến Liên tỉnh lộ 12 hoàn thành, là đường xe hơi duy nhất, đầu tiên chấm dứt tình trạng cô lập về đường bộ, để Rạch Giá nối liền tới Cần Thơ và lục tỉnh. Riêng cây Cầu Đúc là cây cầu lớn và hiện đại thứ ba (qua sông Cái Tư), sau cây cầu Bến Lức (qua sông Vàm Cỏ Tây) và cầu Long An (qua sông Vàm Cỏ Đông).

Tuyến đường liên tỉnh lộ dài 120km hình thành, đánh dấu bước tiến mới của “văn minh xe cộ” trên vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu xưa. Đây là điều kiện thuận lợi, kích thích sự ra đời của “loại xe đò, xe hàng”, chuyên vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa qua lại giữa Rạch Giá - Cần Thơ và lục tỉnh. Chỉ mấy mươi năm sau đó, khoảng năm 1928-1930, một nghiệp chủ ở chợ Cái Nhum là ông Nguyễn Văn Mấy, bỏ vốn sắm 2 chiếc xe đò Cao Văn và Cao Phát, chạy đường Vị Thanh lên Cần Thơ mỗi ngày 2 chuyến.

Giao thông đường bộ Vị Thanh - Hỏa Lựu phát triển đến năm 1945 thì chựng lại, bởi công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Có lúc, phía lực lượng cách mạng thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, phải đào, phá lộ liên tỉnh; phá sập các cây cầu để ngăn bước tiến quân Pháp, cụ thể như: Cầu Rạch Gốc, Cái Sình, Cầu Lẫm. Từ lúc này, việc giao thông trở lại bằng ghe, xuồng, kể cả qua Rạch Giá hay lên Cần Thơ.

Theo một số vị cao niên, khi quân Pháp rút bỏ đồn Cầu Đúc, đã cho nổ mìn phá sập Cầu Đúc. Nhưng theo soạn giả - nhà văn Vĩnh Điền (người quê ở xã Vĩnh Viễn - Long Mỹ), thì cây Cầu Đúc do lực lượng bộ đội cách mạng đặt chất nổ phá sập, để ngăn quân Pháp từ Rạch Giá kéo qua.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>