Tự hào Quân y tỉnh Cần Thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

28/04/2017 | 08:07 GMT+7

Tận tâm, trách nhiệm, dũng cảm, sáng tạo,... là những điều đọng lại khi nhắc về cán bộ, y, bác sĩ Quân y tỉnh Cần Thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ của Quân y tỉnh Cần Thơ chụp hình lưu niệm trong lần họp mặt mới đây.

Phẫu thuật đến ngã gục trên bàn mổ

Chúng tôi đã gặp và nghe câu chuyện về tinh thần phục vụ của một cán bộ quân y thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - bác sĩ Huỳnh Trung Thu. Bác sĩ Thu kể lại: “Lần đó là trận đánh Chệt Thợ, do thương binh nhiều quá, tôi phải làm suốt đêm bên bàn mổ, đồng đội phải tiếp sữa để tôi uống có sức làm phẫu thuật, nhưng cuối cùng cũng chịu không nổi, rồi ngã gục trên bàn mổ”. Câu chuyện của vị bác sĩ này là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm của lực lượng quân y thời đó.

Đại tá, bác sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hiền Tài, Trưởng ban Quân y thời kỳ chống Mỹ, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hậu Giang, tiếp lời: “Trận đánh Chệt Thợ diễn ra vào tháng 4-1962, đây là lần đầu tiên quân ta đối phó với chiến thuật trực thăng vận của Mỹ và có bom dầu nên thương vong khá lớn. Nhiều thương binh bị bỏng nên việc cứu chữa cực kỳ khó khăn. Lúc đó, không biết kỹ thuật hiện đại như bây giờ nên phải chữa bỏng bằng phương pháp dân gian. Phải hơn 10 ngày mới giải quyết xong và gửi về các địa phương ở Phụng Hiệp để điều trị. Lúc anh Thu ngã gục thì các anh em khác phải lo toan cho thương binh. Sau mọi cố gắng, cuối cùng chúng tôi cũng đã lo cho thương binh được điều trị chu đáo”.

Các trận đánh lớn của bộ đội tỉnh và quân khu, Quân y tỉnh Cần Thơ đều tham gia cứu chữa, sát cánh với lực lượng vũ trang khi chiến đấu. Điển hình là trận Trà Lồng cuối năm 1962 của Tiểu đoàn 96; trận Ông Hào, Thị đội ở Ô Môn, công tác cấp cứu, điều trị rất khó khăn trong tình hình địch oanh tạc, do thời gian kéo dài, thương binh nhẹ cũng thành nặng. Tuy nhiên, cuối cùng quân y cũng phục vụ làm hài lòng thương binh.

Thử thách và cũng là chiến công của Quân y là phục vụ Tết Mậu Thân năm 1968. Đội phẫu thuật và toàn bộ lực lượng quân y áp sát lộ Vòng Cung để thu dung tất cả thương binh từ đất lửa Vòng Cung đưa ra. Đại tá, bác sĩ Lê Hiền Tài lúc bấy giờ trực tiếp phẫu thuật cùng các phụ tá đã làm việc không mệt mỏi để lo cho thương binh, nhớ lại: “Có ngày đến cả trăm thương binh cần cứu chữa. Cán bộ quân y không chỉ lo chữa thương mà còn lo ăn ở, vận chuyển thương binh. Chưa bao giờ quân y tiếp nhận một lượng lớn thương binh như Tết Mậu Thân, nhưng nhờ sự quyết tâm, kiên trì chịu đựng đã phục vụ tốt nhận được lời khen của chỉ huy và niềm tin của người bệnh”.

Vẹn tròn y đức

Quân y lo lắng, bảo vệ thương binh còn hơn tính mạng của mình. Cô Trần Thị Tố Loan (thường gọi là Bảy Vân), công tác ở quân y từ những năm đầu mới thành lập, chỉ vào vết thương trên bụng, rồi kể: “Tôi nhớ bị thương vào năm 1967, trong lúc chuyển thương binh đến nơi an toàn. May mắn là tôi đã chuyển được tất cả thương binh sau đó thu gom các vật dụng mới bị thương”. Không chỉ hết lòng bảo vệ an toàn cho thương binh, cô Bảy Vân còn là người từng trực tiếp cho máu để truyền cứu chữa thương binh. Trong điều kiện không có máu dự trữ, các cô chú quân y là ngân hàng máu tươi để tiếp máu cho nhiều bộ đội. Khi thương binh về quân y là thầy thuốc, khi giặc đến quân y là chiến sĩ, vừa đánh giặc vừa bảo vệ thương binh. Có những đồng chí đã hiên ngang hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, để lại nuối tiếc và xót thương cho đồng chí, đồng đội như đồng chí Lê Văn Kiệm, Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Văn Chính,…

Cán bộ quân y lúc bấy giờ luôn sáng tạo, tự lực thuốc men, dụng cụ y tế để điều trị thành công các vết thương phức tạp như nối ruột, dạ dày, vết thương về xương,… Đặc biệt, sáng kiến “khoan hộp sọ” dẫn lưu vết thương sọ não cũng thành công. Những năm khó khăn, thiếu dịch truyền, các đồng chí đã sáng tạo dùng nước dừa tươi làm dịch truyền. Cô Bảy Vân cho hay: “Trái dừa phải được hái xuống nhẹ nhàng, được nâng niu, gọt sạch rồi mới truyền cho thương binh”. Dù hiện nay, việc dùng nước dừa tươi là dịch truyền chưa được khoa học công nhận, nhưng thời đó đã cứu được rất nhiều thương binh vượt qua vết thương hiểm nghèo. Ngoài ra, các cô chú còn sản xuất nước pha thuốc, viên ho, thuốc rắn, filatov,… Đây là những sáng tạo có giá trị trong lúc phương tiện điều trị bệnh thiếu nghiêm trọng lúc bấy giờ.

Tấm lòng của các cô chú quân y không chỉ là ở thời chiến, khi đất nước thống nhất tình đồng chí luôn được giữ vẹn, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang. Bác sĩ Huỳnh Trung Thu chia sẻ: “Hiện nay, nhiều cán bộ quân y tham gia vào Hội Cựu chiến binh góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, luôn quan tâm nuôi dạy con cháu học hành đến nơi, đến chốn”. Còn tâm niệm của đại tá Trần Thành Nghiệp, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ, thì: “Các đồng chí, đồng đội trong quân y phải quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện nay. Nắm hoàn cảnh và giúp đỡ những gia đình quân y còn khó khăn trong cuộc sống. Hay khi đau yếu thì thăm hỏi động viên. Thời chiến cũng như thời bình, mọi người luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, đây là điểm đáng quý để thế hệ ngày nay học tập”.

Quân y tỉnh Cần Thơ được hình thành từ năm 1959. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quân y tỉnh Cần Thơ đã dệt nên bức tranh sinh động về một cán bộ quân y có bề dày thành tích, có 3 đồng chí là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2 thầy thuốc ưu tú. Quân y tỉnh Cần Thơ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây sẽ mãi là niềm tự hào của thế hệ mai sau.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>