Trào ngược dạ dày thực quản: Rất dễ bị nhưng khó chữa khỏi hoàn toàn

02/08/2023 | 08:15 GMT+7

Các bác sĩ thông tin: Số lượng người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) đang có xu hướng tăng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Toàn, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Đây là bệnh có thể chữa khỏi, nhưng rất khó do thời gian điều trị kéo dài và chưa có sự hợp tác tốt từ người bệnh. Bệnh không được chữa khỏi, mắc bệnh lâu ngày, tái đi tái lại có thể gây các biến chứng viêm thực quản, ung thư thực quản, viêm phế quản, viêm họng mạn tính,… không thể xem thường”.

Bác sĩ Toàn (phải) nội soi chẩn đoán cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Những triệu chứng nào thường gặp khi mắc GERD, thưa bác sĩ ?

- GERD được định nghĩa là các triệu chứng hoặc biến chứng do trào ngược dịch dạ dày vào thực quản hoặc xa hơn nữa, vào khoang miệng (bao gồm cả thanh quản) hoặc phổi. GERD được cho là bệnh phổ biến nhất mà bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gặp phải, thường xuyên xảy ra trong thai kỳ, biểu hiện là chứng ợ nóng và có thể bắt đầu trong bất kỳ tam cá nguyệt nào. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ khởi phát là 52% trong tam cá nguyệt thứ nhất, 40% trong tam cá nguyệt thứ hai và 8% trong tam cá nguyệt thứ ba.

Một số triệu chứng thường gặp là chứng ợ nóng khó chịu về mặt lâm sàng được thấy ở khoảng 6% dân số; nôn trớ đã được báo cáo ở 16%. Bệnh nhân bị đau ngực có thể là triệu chứng của GERD, cần phân biệt đau ngực do tim và không do tim trước khi coi GERD là nguyên nhân gây đau ngực. Triệu chứng khó nuốt có thể liên quan đến GERD không biến chứng, nhưng sự hiện diện của nó đảm bảo điều tra một biến chứng tiềm ẩn bao gồm rối loạn vận động cơ bản, hẹp, vòng hoặc ác tính.

Ho mãn tính, hen suyễn, viêm thanh quản mãn tính, các triệu chứng đường thở khác gọi là triệu chứng ngoài thực quản. Các triệu chứng không điển hình bao gồm khó tiêu, đau vùng thượng vị, buồn nôn, đầy bụng và ợ hơi có thể là dấu hiệu của GERD nhưng trùng lặp với các tình trạng khác. Một đánh giá có hệ thống cho thấy tương đương 38% dân số nói chung phàn nàn về chứng khó tiêu. Chứng khó tiêu xảy ra thường xuyên hơn ở bệnh nhân GERD so với những người không mắc bệnh.

Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân hầu như không có triệu chứng, bệnh diễn tiến âm thầm. Hiện nay, trong khám, chẩn đoán đối với bệnh nhân bị viêm họng, viêm phế quản, thực quản tái đi tái lại, thường bác sĩ sẽ kiểm tra có mắc bệnh trào ngược dạ dày hay không?

Nguyên nhân nào dẫn đến mắc GERD, thưa bác sĩ ?

- Có nhiều nguyên nhân, có thể do bất thường ở cơ quan thực quản hay sự bất thường ở cơ hoành. Một nguyên nhân khác từ sự bất thường ở dạ dày, khi người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày (ung thư dạ dày, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, hẹp môn vị,...) cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trào axit dạ dày lên thực quản.

Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng trào ngược dạ dày như: người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn người bình thường trong đó có trào axit dạ dày. Cân nặng là một trong yếu tố tác động trực tiếp lên vùng bụng, cơ thắt thực quản, nguy cơ mắc chứng bệnh trào ngược dạ dày cũng tăng lên.

Người có chế độ dinh dưỡng thường xuyên sử dụng các loại đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, ăn quá no, ăn chanh, cam khi đói,... có nguy cơ bị trào ngược axit dạ dày cao.

GERD là bệnh có thể chữa khỏi, nhưng thực tế ít người được chữa khỏi hoàn toàn, nguyên nhân vì sao, thưa bác sĩ ?

- Dù là bệnh có thể chữa khỏi, nhưng để chữa khỏi bệnh này không dễ dàng, cần có thời gian dài và có sự hợp tác tốt từ người bệnh. Bên cạnh uống thuốc điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân bắt buộc phải thay đổi lối sống. Tránh chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt không lành mạnh. Không nên ăn quá no, đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, thức khuya, nằm sau khi ăn, ăn trước khi ngủ chưa đầy 2 giờ, mặc quần áo chật. Không nên sử dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê hay sử dụng các loại thực phẩm chứa hàm lượng axit cao như: Đồ ăn cay nóng, nước ngọt có ga, các loại quả có vị chua.

Bệnh thường ít được chữa khỏi hoàn toàn do người bệnh chưa hợp tác tốt, không thay đổi được lối sống. Để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày, bệnh nhân nên ăn những chất có tác dụng trung hòa axit, như: Các sản phẩm từ tinh bột, nên ăn nhiều các chất đạm dễ tiêu, bổ sung chất xơ có chứa trong các loại đậu, ăn nhiều sữa chua,… Tăng cường tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng các thực phẩm không nên dùng nêu trên,… và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Trường hợp điều trị nội khoa không thành công có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh cần biết những biến chứng có thể gặp đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày là viêm thực quản, nếu tình trạng viêm tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn đến ung thư thực quản. Hay gây viêm phế quản, viêm họng mạn tính sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, để bảo vệ tốt nhất sức khỏe đối với bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày là thay đổi lối sống theo hướng tích cực và khám bác sĩ chuyên khoa, tuân thủ điều trị tốt, kiên trì tuân thủ điều trị sẽ có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>