Quan tâm sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên

05/12/2018 | 08:32 GMT+7

Mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ để lại hậu quả nặng nề về tâm lý, sức khỏe, tình cảm của các em và còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Trong khi, kiến thức của các em còn hạn chế thì việc tuyên truyền, giáo dục để các em hiểu và phòng tránh quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn, phá thai là việc làm hết sức cần thiết.

Truyền thông, giáo dục về sức khỏe sinh sản vị thành niên là việc làm hết sức cần thiết.

Đáng lo thực trạng mang thai ở tuổi vị thành niên

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vẫn còn những điểm đáng lo ngại khi tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên vẫn diễn ra hàng năm ở tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Tỷ lệ vị thành niên mang thai ngày càng đáng lo ngại. Năm 2016, tỉnh có 200 trường hợp vị thành niên mang thai, chiếm 1,5%. Năm 2017 là 324 trường hợp, chiếm 2,5%. Năm 2018, tính đến tháng 11 có 178 trường hợp, chiếm 1,4% và có 121 phụ nữ tuổi vị thành niên sinh con chiếm tỷ lệ 1,13%”.

Điểm đáng lưu ý là số lượng vị thành niên, thanh niên trực tiếp đến các cơ sở y tế tư vấn về sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục còn ít. Sự hiểu biết kiến thức về vấn đề này còn hạn chế, đặc biệt là thanh niên ở vùng sâu. Việc tiếp cận nguồn thông tin chính thống về chăm sóc sức khỏe sinh sản trong vị thành niên, thanh niên còn hạn chế, chủ yếu là qua bạn bè, qua thông tin trên các trang mạng xã hội hiệu quả tác động để thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa cao, thậm chí còn có những tác động tiêu cực khi tiếp cận nguồn thông tin không chính thống. Theo nhận định của các cán bộ làm công tác dân số, các bậc phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con em mình về sức khỏe sinh sản, còn tâm lý ngại ngùng trước các vấn đề được xem là tế nhị này, chưa có ý thức và thói quen chủ động giáo dục cho con em mình.

Tại một số địa phương có trẻ vị thành niên mang thai đã đặt ra nhiều thách thức làm sao giúp đỡ, hỗ trợ tốt cho các em. Theo bà Trần Thị Bé Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Vị Thủy: “Trên địa bàn huyện có một trường hợp trẻ vị thành niên mang thai. Chúng tôi đã đến tư vấn hỗ trợ giúp đỡ. Tuy nhiên, đây là một việc ngoài ý muốn và việc mang thai, sinh con ở tuổi này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và sức khỏe của các em”.

Tình trạng quan hệ không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở người vị thành niên và thanh niên vẫn tồn tại ở mức khá cao. Việc mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ có nhiều điều không tốt cho sức khỏe sinh sản của các em. Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm: “Sản phụ mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ để lại hậu quả khá nặng nề về vấn đề tâm lý, dễ gặp các nguy cơ sẩy thai, đẻ non do cơ thể mẹ chưa phát triển hoàn thiện, dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu, thai kém phát triển, thai chết lưu, hoặc sinh con thiếu cân, con suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên sẽ để lại hậu quả không những cho sức khỏe tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về tương lai và chất lượng giống nòi”.

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức

Từ ngày 1 đến 31-12, trên phạm vi toàn tỉnh sẽ tổ chức Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2018 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi. Bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: “Tháng hành động sẽ tập trung tuyên truyền ưu tiên các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ tình dục an toàn và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, tác hại phá thai không an toàn. Chúng tôi đã tổ chức lễ mít-tinh, diễu hành để tuyên truyền thông điệp này đến mọi người dân nhằm kêu gọi cộng đồng tham gia tích cực để góp phần giảm tình trạng quan hệ tình dục sớm và mang thai ngoài ý muốn, phá thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên. Tháng hành động cũng sẽ tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn ở các nơi đông người, tổ chức hội trại truyền thống. Các huyện cũng sẽ hưởng ứng với các hoạt động truyền thông, có thể là nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm, giao lưu văn hóa văn nghệ, thực hiện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để truyền thông”.

Theo dự kiến, các trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện sẽ tập trung phối hợp với ngành giáo dục để truyền thông. Ông Trần Thanh Tiền, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Long Mỹ, cho biết: “Thời gian qua, các hoạt động truyền thông, giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên cũng đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian này, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai tuyên truyền nói chuyện chuyên đề đối với các em học sinh ở trường trung học phổ thông”.

Tương tự ở huyện Vị Thủy, theo bà Trần Thị Bé Ngọc: “Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện cũng đã dự định tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề ở các trường, tuy nhiên điều kiện kinh phí thời gian qua còn rất khó khăn”. Theo bà Ngọc thì đây là một hình thức hiệu quả để tuyên truyền, giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với trẻ vị thành niên và thanh niên, cần được quan tâm đầu tư về kinh phí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>