Niềm mơ ước 20 năm của lĩnh vực kiểm nghiệm thành hiện thực

16/02/2024 | 09:40 GMT+7

Cuối năm 2023, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế tỉnh đã được Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng chỉ VILAS 1524 chứng nhận Phòng thí nghiệm phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/EIC 17025:2017. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định chất lượng, hiệu quả công tác kiểm nghiệm của tỉnh.

Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế tỉnh đã đạt tiêu chuẩn ISO/EIC 17025:2017 cuối năm 2023, là nền tảng để đơn vị thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn tới đây.

Được quan tâm đầu tư

Theo ông Nguyễn Thanh Thế, Giám đốc trung tâm, kể: “Năm 2004 khi mới thành lập, trung tâm chỉ có 2 biên chế. Cơ sở vật chất ban đầu vẫn chưa được trang bị, trụ sở phải mượn, thuê tạm bợ; về thiết bị dụng cụ chưa có nên những năm đầu ngoài việc giám sát chất lượng thuốc, mẫu nghi ngờ về chất lượng thì chỉ lấy mẫu gửi về Trung tâm Kiểm nghiệm Cần Thơ và Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Sau nhiều năm được quan tâm đầu tư của tỉnh và sự nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao chuyên môn của nhân viên y tế, chúng tôi đã có nguồn nhân lực cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Để trung tâm được cấp chứng chỉ VILAS 1524 chứng nhận Phòng thí nghiệm phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/EIC 17025:2017, mấu chốt quan trọng là có sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo tỉnh từ cơ sở đến trang thiết bị.

Kể từ năm 2021, trung tâm được quan tâm đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ, kể cả từ trang thiết bị và cơ sở vật chất. Năm 2021, đơn vị trực tiếp nhận một gói thiết bị dụng cụ kiểm nghiệm từ Sở Y tế với giá trị gần 6 tỉ đồng. Đến cuối năm 2021, UBND tỉnh cho triển khai Dự án sửa chữa, cải tạo trung tâm với tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng, trong đó sửa chữa cải tạo cơ sở là 6 tỉ đồng, mua sắm trang thiết bị và một số hạng mục khác là 14 tỉ đồng. Nhờ vậy, cuối năm vừa được đạt ISO/EIC 17025:2017.

Với chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người được sản xuất, tồn trữ, lưu hành và sử dụng trên địa bàn tỉnh thì việc đạt ISO/EIC 17025:2017 là điều kiện quan trọng để trung tâm phấn đấu thực hiện nâng cao chất lượng kiểm nghiệm, theo tinh thần “Khách quan - Chính xác - Tin cậy - Kịp thời” bảo vệ tốt sức khỏe người dân của tỉnh.

Lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người

Chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người vì vậy việc đảm bảo chất lượng là rất quan trọng hiện nay, nhất là trong bối cảnh trên thị trường có không ít hàng giả, kém chất lượng lưu hành. Ngoài sự kiểm soát của ngành chuyên môn thì ý thức trách nhiệm của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm là yếu tố quan trọng không kém.

Bà Trương Thị Thái Phương, Trưởng phòng chất lượng, Công ty TNHH Dược Sĩ Tiến chi nhánh sản xuất mỹ phẩm Hậu Giang, thông tin: “Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn xác định phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm. Các chỉ tiêu kiểm nghiệm ban đầu rất quan trọng trong đảm bảo chất lượng nên luôn quan tâm thực hiện đúng quy định, kiểm tra chất lượng sản phẩm, vừa nội kiểm và ngoại kiểm”.

Khi Trung tâm Kiểm nghiệm của tỉnh nâng cao trình độ và đạt tiêu chuẩn ISO/EIC 17025:2017, Công ty TNHH Dược Sĩ Tiến chi nhánh sản xuất mỹ phẩm Hậu Giang càng tin tưởng và sẽ gửi mẫu để kiểm nghiệm đối với những mẫu trung tâm có thể thực hiện được để tiết kiệm được thời gian đi lại và chi phí.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lưu ý mà ngành y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm phải thực hiện tốt. Ông Bùi Hoàng Quân, Trưởng phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế tỉnh, nhấn mạnh: “Để đảm bảo chất lượng thuốc, một số vấn đề cần lưu ý khi bảo quản. Thực tế còn có những cơ sở khó khăn về cơ sở vật chất cần sắp xếp cho khoa học, quan tâm điều kiện bảo quản, cần có biện pháp che chắn đối với các cơ sở chịu ánh nắng trực tiếp. Năm 2023, qua kiểm nghiệm có những sản phẩm không đạt, đây là vấn đề cần được quan tâm trong năm 2024, nhất là quan tâm kiểm soát chất lượng mỹ phẩm”.

Theo Sở Y tế, năm qua dù đã quan tâm thanh tra, kiểm tra chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm nhưng số đơn vị được kiểm tra còn ít. Năm 2024, cần tập trung thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm và tăng cường công tác tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm lưu ý xuất xứ, nguồn gốc, kiểm tra mỹ phẩm có đủ điều kiện lưu hành trên thị trường hay không, có chất lượng hay không… để các cơ sở hoạt động kinh doanh mỹ phẩm đúng quy định. 

Trao đổi về phương châm đảm bảo chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm ở tỉnh, ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: “Phương châm phải là Chất lượng ngay từ nhà sản xuất; bảo quản đúng quy trình bảo quản của Bộ Y tế mới cung cấp cho người sử dụng sản phẩm tốt, chất lượng nhất”. Đây là phương châm các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm cần thực hiện để đảm bảo chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>