Ngành Y tế tỉnh Hậu Giang: Trưởng thành sau 20 năm thành lập

26/02/2024 | 19:13 GMT+7

Sau 20 năm không ngừng phát triển, các thế hệ thầy thuốc đã trưởng thành, vững vàng y thuật lẫn y đức, mạng lưới cơ sở y tế được đầu tư khang trang, thiết bị y tế được trang bị hiện đại, toàn ngành đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.

Bệnh nhân rất hài lòng khi đến khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Đông Phú, huyện Châu Thành.

Trạm y tế nay đã khác xưa...

Trạm Y tế xã Đông Phú, huyện Châu Thành, là một trong những đơn vị đang “ăn nên làm ra” của tỉnh. Trong buồng khám bệnh, nhân viên y tế đang khám cho 2 bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Dung và bà Danh Thị Út, cùng ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú. Cả hai bệnh nhân bày tỏ sự hài lòng và cảm thấy gần gũi thân thiết với nhân viên y tế, bảo là “khách quen”. Bà Nguyễn Thị Dung khen: “Nhân viên y tế ở trạm tận tình lắm, tôi bị bệnh tim nên rất hay bị mệt, khó thở, hễ có vấn đề gì về sức khỏe, đêm hôm đều hết lòng chăm sóc”.

Để có được niềm tin từ phía bệnh nhân, cán bộ, nhân viên y tế trạm khẳng định nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh giúp trạm phát triển khá toàn diện, cơ bản đảm bảo được điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Ông Trần Hồng Gấm, Phó trạm Y tế phụ trách Trạm Y tế xã Đông Phú, chia sẻ: “Cơ sở trạm đã qua 4 lần xây dựng và nâng cấp, sửa chữa, lần thứ 4 là năm vừa rồi. Trạm còn được bố trí nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có bác sĩ phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân, trang bị khá đầy đủ trang thiết bị cơ bản”.

Số lượt khám, chữa bệnh của trạm hàng năm luôn vượt chỉ tiêu được giao, mỗi ngày trung bình có trên dưới 40 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Không riêng Trạm Y tế xã Đông Phú, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh đã thay áo mới khang trang hơn nhờ sự ưu tiên đầu tư của lãnh đạo tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, nhấn mạnh: “Được sự quan tâm của tỉnh với các chính sách ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt từ năm 2014 đến nay đã vận động xã hội hóa, tranh thủ nguồn hỗ trợ và ưu tiên nguồn ngân sách hàng trăm tỉ đồng để đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm bổ sung cơ bản trang thiết bị y tế, đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế cho 75/75 trạm y tế cơ sở, các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện. Với sự quan tâm đặc biệt này đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh hoàn thành sớm Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 vào năm 2017, sớm 3 năm so với kế hoạch và duy trì nâng chất các tiêu chí hàng năm.

Hệ thống y tế cơ sở tại Hậu Giang được quan tâm đầu tư từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực.

Nhân lực y tế tăng về số lượng và chất lượng

Năm 2004, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang được thành lập từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Vị Thanh, trong điều kiện thiếu nhân lực, cơ sở y tế cũ, chật hẹp, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng hiện nay đã phát triển vượt bậc trong ấn tượng của các nhân viên y tế bám trụ ở bệnh viện 20 năm qua. Ông Trần Thái Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn nhớ: “Đến nay số lượng nhân viên y tế tăng gần 2,5 lần, hiện nay đã có hơn 480 nhân viên. Trình độ chuyên môn cũng tăng theo từng năm, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên khoa sau đại học. Bệnh viện có quy mô 500 giường, là cơ sở khám chữa bệnh đa khoa hạng II và là tuyến cuối trong hệ điều trị của tỉnh”.

Từ năm 2017, bệnh viện đã triển khai bệnh viện vệ tinh, liên kết với Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh mổ thành công nhiều ca thay khớp háng cho người bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đáp ứng được 70% phân tuyến kỹ thuật theo phân hạng bệnh viện của Bộ Y tế.

Đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành y tế tỉnh đã tăng gấp 3 lần so với năm 2004 và trình độ chuyên môn nâng lên đáng kể. Tổng biên chế, lao động của toàn ngành hiện có 3.190 người, trong đó có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 13,67% và đa số là chuyên khoa cấp 1, 2. Trình độ đại học chiếm tỷ lệ 39,87%, trong đó có gần 400 bác sĩ, còn lại là đại học các chuyên ngành khác. Tỷ lệ bác sĩ hiện nay đạt 9,32 bác sĩ/vạn dân, tăng 3,5 lần so với năm 2004 (2,71 bác sĩ/vạn dân), đạt gần bằng mức trung bình chung của cả nước là 12,5 bác sĩ.

Với sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đã tạo thuận lợi để ngành chủ động kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, tăng cường nhân lực cho công tác khám, chữa bệnh. Đặc biệt, đã có 3 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh được thành lập trong 20 năm qua.

Nguồn nhân lực y tế gia tăng về số lượng và chất lượng còn là điều kiện quan trọng để ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác khác. Phòng chống dịch bệnh trên người, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và chương trình y tế của địa phương. Thực hiện thắng lợi Chiến lược Quốc gia Dân số, sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Mạng lưới y tế ấp, khu vực và đội ngũ cộng tác viên y tế, dân số không ngừng được củng cố và mở rộng, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách hành chính trong khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng người bệnh”.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn không ít những khó khăn nhưng ngành y tế tỉnh đã khẳng định được vị thế, vai trò trong chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe Nhân dân hiện nay và trong tình hình mới.

Bài, ảnh: TRÀ MI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>