Kỳ vọng nâng cao năng lực hệ thống y tế ĐBSCL

24/07/2023 | 08:03 GMT+7

Hội nghị Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2023-2025 mở ra kỳ vọng phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế vùng lên tầm cao mới.

Ngành y tế 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đều đề xuất ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ phát triển y tế chuyên sâu.

“Điểm nghẽn” y tế toàn vùng

Theo TS, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh: “Ung thư là một bệnh được ưu tiên trong thực hiện chỉ đạo tuyến. Hầu hết các bệnh viện trong vùng đều có khoa, bộ phận điều trị ung bướu. Tuy nhiên, thực trạng quá tải và chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị của bệnh nhân ở ngành y tế vùng đang diễn ra. Toàn vùng có 2 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, 9 khoa ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh, 2 đơn vị ung bướu thuộc khoa lâm sàng của bệnh viện. Sự phát triển chưa đồng bộ, đơn vị thực hiện được xạ trị rất ít và đang quá tải, việc đầu tư trang thiết bị và đào tạo nhân sự rất nhiều khó khăn. Trong khi thời gian qua, số ca mắc mới và số ca tử vong do bệnh ung thư tăng rất nhanh, theo số liệu thống kê năm 2022 đã lần lượt tăng 9 bậc số mắc và 6 bậc số tử vong so với năm 2018. Với thực trạng trên, nguy cơ quá tải điều trị bệnh nhân ung thư sẽ gia tăng trong thời gian tới, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh”.

Thực tế ở thành phố Cần Thơ, điều trị ung thư còn rất khó khăn. TS, bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, chia sẻ: “Vấn đề ung thư thiếu quá nhiều máy xạ trị, cả khu vực chỉ có 1 máy của Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, khó khăn nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm thêm máy xạ trị cho bệnh viện này. Cơ sở Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ rất khó khăn, cấp thiết cần có cơ chế đặc thù để khắc phục khó khăn của bệnh viện. Vấn đề chất lượng nhân lực y tế trình độ cao, chuyên sâu và làm sao giữ chân nhân lực y tế chuyên môn trình độ cao vẫn là thách thức ở thành phố dù số lượng cao hơn mặt bằng chung cả nước”.

Đối với y tế các tỉnh khác cũng có những hạn chế khác nhau. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, thông tin: “Khó khăn nhất hiện nay là phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện đạt 80% kỹ thuật tuyến tỉnh, còn kỹ thuật tuyến Trung ương chỉ thực hiện được từ 3-5%, có nhiều kỹ thuật tỉnh chưa triển khai được, như tim mạch can thiệp, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật điều trị ung thư chuyên sâu, xạ trị”.

Ngành y tế Hậu Giang cũng nằm trong thực trạng chung. Một trong những nhu cầu của y tế tỉnh Hậu Giang là hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật về các chuyên khoa: nhi khoa, sản khoa, ngoại thần kinh, ngoại lồng ngực... Nhu cầu này xuất phát từ khó khăn trong triển khai các kỹ thuật của các bệnh viện ở tỉnh. Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Trong thực tế khám, chữa bệnh tại bệnh viện rất khó khăn do chưa phát triển nhiều ở các chuyên khoa về ngoại lồng ngực, ngoại thần kinh. Trong khi đây là những kỹ thuật rất cần thiết để nâng cao hoạt động cấp cứu cho bệnh nhân ở bệnh viện. Chúng tôi mong muốn được chuyển giao các kỹ thuật này trong thời gian tới”.

Qua nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, hợp tác của 13 tỉnh vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Hầu hết ngành y tế các tỉnh, thành phố đều đề xuất hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu: kỹ thuật về can thiệp tim mạch, ngoại thần kinh, ngoại lồng ngực, đột quỵ, vi phẫu, ung bướu, ghép tạng,… Cho thấy vấn đề phát triển kỹ thuật chuyên sâu còn hạn chế là thực trạng chung của y tế toàn vùng”.

Tăng cường hợp tác, phát triển theo 2 cấp độ

Trao đổi về dự định đẩy mạnh hợp tác và phát triển hệ thống y tế của Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2023-2025, PGS, TS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hợp tác trên nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân theo 2 cấp độ: Cấp độ 1 là hợp tác giữa bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện địa phương, giữa các trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố và giữa các sở y tế với nhau. Hợp tác cấp độ 2 ở mục tiêu phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ cơ sở tuyến cuối cho đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và y tế cơ sở theo quy mô vùng”.

Các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ hết mình để phát triển y tế chuyên sâu toàn vùng. TS, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Phát triển mạng lưới ung thư vùng là rất cần thiết trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho các sở y tế vùng lĩnh vực chuyên khoa này. Đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn trang thiết bị, hỗ trợ hội chẩn trực tuyến,… Phát triển thành công mạng lưới điều trị ung thư để bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ y tế điều trị ung thư ở cơ sở y tế gần nhất”.

Việc hợp tác này sẽ là một đột phá về mặt tư duy chiến lược, đổi mới trong mô hình liên kết vùng, phát triển ngành y tế, tạo sự đồng thuận cao trong ngành và cả nhân dân các địa phương. Kỳ vọng sự hợp tác sẽ thúc đẩy y tế cả vùng phát triển toàn diện, nhất là y tế chuyên sâu. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên hợp tác hỗ trợ cho tỉnh về mô hình hoạt động trạm y tế, cần xây dựng một mô hình hiệu quả. Xây đựng mô hình điểm trong quản lý, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm để áp dụng tại các địa phương. Các bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ bệnh viện ở tỉnh phẫu thuật cột sống, lồng ngực, sọ não, điều trị ung thư, xạ trị, cấp cứu nhi khoa, sản khoa, vô sinh,…”.

Hội nghị Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2025 là dấu mốc quan trọng khởi đầu cho sự quyết tâm phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa các sở y tế các tỉnh, thành phố vùng với ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế toàn vùng và giúp người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là các dịch vụ chuyên sâu, hạn chế chuyển tuyến điều trị.

Ưu tiên phát triển mạng lưới chuyên khoa ung thư

Các sở y tế đã thống nhất 6 lĩnh vực tập trung hỗ trợ, hợp tác: Chuyển giao kỹ thuật; hình thành mạng lưới các chuyên khoa; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phòng chống dịch bệnh; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Tập trung ưu tiên đề xuất hình thành và phát triển trước tiên là mạng lưới chuyên khoa ung thư vùng ĐBSCL.         

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ký 6 bản ghi nhớ hợp tác với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL:

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ký kết bản ghi nhớ hợp tác và phát triển với sở y tế các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL;

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã ký kết bản ghi nhớ tăng cường hợp tác nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh;

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế Trà Vinh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác và hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tỉnh Trà Vinh;

Ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển y tế chuyên sâu giữa ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh và ngành y tế thành phố Cần Thơ;

Ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên khoa ngoại lồng ngực và ngoại thần kinh giữa Bệnh viện Quân Y 175 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang;

Ký kết giữa Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với Bệnh viện Đa khoa Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh An Giang.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>