Cẩn trọng phòng bệnh thường gặp vào mùa hè

10/07/2023 | 07:17 GMT+7

Mùa hè thời tiết có khi nóng bức, xen những cơn mưa thất thường, thuận lợi cho một số dịch bệnh có thể phát triển và bùng phát mạnh mẽ. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Chúc (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyên: Mỗi người dân nên quan tâm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Những bệnh nào dễ mắc vào mùa hè, thưa bác sĩ ?

- Trước hết là bệnh sốt xuất huyết, thường phát triển mạnh vào mùa mưa khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển vì vậy vào thời điểm hiện nay bệnh dễ gia tăng nếu không chủ động dự phòng.

Trẻ em rất dễ mắc các bệnh thường gặp vào mùa hè, nhất là bệnh tay - chân - miệng, đa số trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm.

Bệnh tay - chân - miệng đã gia tăng ở tỉnh khoảng thời gian gần đây, trong tuần cuối tháng 6 (từ ngày 23 đến 30-6) đã ghi nhận 40 ca bệnh tay - chân - miệng, trong khi trước đó chỉ ghi nhận 140 ca bệnh trong vòng 5 tháng và 3 tuần đầu tháng 6 của năm nay.

Bệnh sởi cũng là căn bệnh khá phổ biến vào mùa hè. Đây là căn bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ em. Bệnh có thể lây lan mạnh và có thể bùng phát thành dịch. Thủy đậu căn bệnh truyền nhiễm phổ biến vào mùa hè, xuất hiện do sự tấn công của vi-rút Varicella Zoster (VZV) vào cơ thể con người. Một số bệnh khác cũng dễ mắc vào mùa hè là bệnh tiêu chảy, viêm não Nhật Bản, cúm, đau mắt đỏ.

Những triệu chứng thường gặp nào với các bệnh dễ mắc vào mùa hè người dân cần lưu ý, thưa bác sĩ ?

- Đối với bệnh sốt xuất huyết triệu chứng thường chủ yếu là sốt cao đột ngột 39-400C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Tay - chân - miệng có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Có những ca bệnh diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Bệnh thủy đậu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Bệnh sởi ở giai đoạn khởi bệnh, trẻ thường sốt cao (trên 390C) khi biểu hiện sốt thuyên giảm sẽ đồng thời xuất hiện triệu chứng phát ban đặc trưng của sốt. Ngoài những biểu hiện trên, trẻ mắc sởi thường có một số triệu chứng kèm theo như: đỏ mắt, chảy nước mũi, ho hoặc đôi khi là tiêu chảy. Biến chứng của sởi: thường gặp nhất là viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, mờ giác mạc, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Bệnh viêm não Nhật Bản thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10%-20%.

Người dân cần làm gì để phòng các bệnh thường gặp vào mùa hè hiệu quả, thưa bác sĩ ?

- Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Người dân nên thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để ngăn không cho muỗi vào đẻ trứng. Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa,... Thực hiện ngủ mùng cả ngày lẫn đêm để phòng muỗi đốt.

Bệnh thủy đậu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Vì vậy, phòng và tránh bệnh thủy đậu hiệu quả bằng việc hạn chế tiếp xúc người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Hiện nay, tiêm vắc-xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Bệnh tiêu chảy có thể phòng và tránh bằng việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bệnh viêm não Nhật Bản được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật bị nhiễm vi-rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Bệnh đau mắt đỏ có thể phòng bằng thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

Bệnh tay - chân - miệng có thể phòng bằng cách rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, thường xuyên vệ sinh nơi ở, vật dụng, đồ chơi của trẻ, tránh tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Nếu trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ mắc các bệnh trên, cần đưa người bệnh ngay đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>