Bệnh viện khởi sắc, y tế cơ sở lại khó thu hút bệnh nhân

20/07/2023 | 08:49 GMT+7

Qua nửa năm, ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong kết quả khám, chữa bệnh ở các bệnh viện, đa số thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu. Song tại y tế tuyến xã mặt bằng chung đạt chỉ tiêu này còn thấp.

Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang.

Bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng phục vụ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau thời gian khó khăn do mất cân đối thu, chi năm 2022, đến 6 tháng đầu năm nay đã chuyển mình đảm bảo được nguồn thu bệnh viện nhờ tích cực triển khai các giải pháp tăng sự hài lòng của bệnh nhân. Ông Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp đổi mới trong phục vụ với phương châm tạo sự thuận tiện, nhanh chóng cho bệnh nhân khi lựa chọn dịch vụ ở bệnh viện, dần tạo dựng được niềm tin từ phía bệnh nhân. Một số khoa tiên phong thực hiện như Khoa Mắt triển khai tiếp đón tận tình, dẫn bệnh nhân thực hiện xét nghiệm cho đến khi vào giường bệnh nếu nằm viện và phẫu thuật mắt về trong ngày. Khoa Ngoại thận - tiết niệu cũng đang áp dụng giải pháp tương tự tán sỏi về trong ngày và có cả dịch vụ chọn bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh nhân... Ban Giám đốc Bệnh viện quán triệt tinh thần trong tập thể nhân viên y tế rằng bắt buộc phải đổi mới chất lượng cung ứng dịch vụ mới có thể thu hút bệnh nhân”.

6 tháng qua, số lượt khám ngoại trú đạt trên 60% chỉ tiêu năm. Kết quả cân đối thu chi đã có kết dư, không còn mất cân đối như năm 2022. Hoạt động khám, chữa bệnh thuận lợi khi cơ sở vừa được sửa chữa, các điều kiện phục vụ như hóa chất, vật tư, thuốc,... đã cơ bản đáp ứng được cho hoạt động điều trị.

Ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, bà Lê Thị Mai Linh, Trưởng phòng Kế hoạch - Truyền thông - Chỉ đạo tuyến, thông tin: “Kết quả khám bệnh ngoại trú đã tăng hơn so với cùng kỳ năm trước và đạt trên 81% so với chỉ tiêu năm nay. Đạt kết quả này bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó cải tiến quy trình để giảm thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Bệnh nhân đến đăng ký khám bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh, sau khi kết thúc mới thanh toán chi phí, giảm được thời gian chờ đợi thanh toán viện phí cho người bệnh, tạo sự thuận tiện nhất. Trong tổng số lượt khám, chữa bệnh có gần một nửa là bệnh nhân đến khám vượt tuyến, trái tuyến tại đơn vị, số khám không có bảo hiểm y tế tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm trước cho thấy bệnh viện từng bước có được niềm tin từ người bệnh”. 

Trao đổi về kết quả hoạt động khám, chữa bệnh thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh ngoại trú cho tổng số trên 782.000 lượt bệnh nhân, đạt gần 57% kế hoạch năm, tăng trên 41%; chỉ tiêu điều trị nội trú đạt 42,5% kế hoạch năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện đã có những nỗ lực, đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ, đạt cao chỉ tiêu khám, chữa bệnh ngoại trú, cụ thể, các trung tâm y tế tuyến huyện đạt trên 65%, bệnh viện tuyến tỉnh đạt gần 64%.

Nhiều khó khăn trong khám chữa bệnh ở trạm y tế

Trái ngược với sự chuyển biến của bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế, các trạm  y tế thực hiện chỉ tiêu khám, chữa bệnh còn đạt thấp, chỉ đạt 45%, có những địa bàn giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt thấp nhất ở huyện Châu Thành A. Bà Nguyễn Thị Thanh Nương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Tính đến tháng 7 kết quả khám, chữa bệnh ở trạm y tế chỉ đạt trên 30% so với chỉ tiêu năm và giảm trên 17% so với cùng kỳ năm 2022, một số trạm thấp hơn chỉ đạt 13%, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 như Trạm Y tế xã Nhơn Nghĩa A. Có nhiều nguyên nhân khó thu hút bệnh nhân ở trạm y tế, trong đó có khó khăn do thiếu bác sĩ cơ hữu. Trung tâm y tế thiếu bác sĩ chưa thể bố trí bác sĩ cơ hữu ở trạm y tế, trong 10 trạm y tế chỉ có 1 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu và 4 trạm y tế có bác sĩ luân phiên khám, chữa bệnh 2-3 ngày/tuần, 5 trạm y tế còn lại chưa có bác sĩ”.

Chia sẻ khó khăn trong thực hiện khám, chữa bệnh, bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng trạm Y tế xã Nhơn Nghĩa A, trăn trở: “Chúng tôi gặp khó nhất là vấn đề thiếu thuốc đến nay vẫn chưa khắc phục được. Tình trạng thiếu thuốc kéo dài khiến trạm mất một số lượng bệnh nhân đáng kể. Chúng tôi mong muốn được cung ứng đủ thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh trong những tháng còn lại của năm nay. Bên cạnh đó, trạm sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng số lượng khám, chữa bệnh để đạt chỉ tiêu đề ra đến cuối năm”. Song theo bà Hằng, sẽ rất khó khăn để thu hút bệnh nhân nếu điều kiện thuốc không đảm bảo, trong khi đó, bệnh nhân lại có nhiều lựa chọn với các bệnh viện tư nhân và trung tâm y tế để khám, chữa bệnh. 

Trước những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở, ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Y tế cơ sở luôn được quan tâm đầu tư để nâng chất lượng dịch vụ. Trong những tháng còn lại của năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện Kế hoạch số 112 năm 2017 về việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2018-2025. Triển khai thực hiện lộ trình Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở” từ nguồn vốn vay và viện trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Kỳ vọng sẽ cải thiện được điều kiện khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã”.

Các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh ngoại trú cho tổng số trên 782.000 lượt bệnh nhân, đạt gần 57% kế hoạch năm, tăng trên 41%; chỉ tiêu điều trị nội trú đạt 42,5% kế hoạch năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với sự chuyển biến của bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế, các trạm  y tế thực hiện chỉ tiêu khám, chữa bệnh còn đạt thấp, chỉ đạt 45%, có những địa bàn giảm so với cùng kỳ.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>