Bệnh tay - chân - miệng tăng gần 3 lần so với cùng kỳ: Chớ lơ là...

22/02/2024 | 09:05 GMT+7

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Thời điểm đầu năm 2024, tổng số ca bệnh tay - chân - miệng ghi nhận tại tỉnh đã tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là vấn đề không thể lơ là.

Bác sĩ khám cho trẻ có triệu chứng nghi ngờ bệnh tay - chân - miệng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Các huyện, thị, thành phố đều ghi nhận số mắc bệnh tăng

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 116 ca bệnh tay - chân - miệng, tăng so với cùng kỳ 78 ca. Tất cả các huyện, thị, thành phố đều ghi nhận số mắc tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhất là huyện Phụng Hiệp với 33 ca, kế đến là thành phố Vị Thanh với 22 ca, các huyện, thị, thành phố còn lại ghi nhận số mắc từ 5-15 ca và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay - chân - miệng.

Công tác kiểm soát dịch được ngành y tế nỗ lực triển khai, nhất là tại các địa bàn có ca nhiễm cao. Phường IV, thành phố Vị Thanh là địa phương cấp xã có số mắc bệnh tay - chân - miệng nhiều nhất tỉnh hiện nay với 6 ca bệnh.

Ông Chu Biên Cương, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh Trạm Y tế phường IV, thông tin: “So với cùng kỳ năm trước số ca bệnh tay - chân - miệng ghi nhận ở phường đã tăng 4 ca, thời điểm này năm trước chỉ ghi nhận 2 ca. Các ca bệnh xảy ra không tập trung mà rải rác, có trẻ bệnh ở cộng đồng, cũng có trẻ bệnh ở các điểm trường, có trẻ bệnh ở điểm giữ trẻ. Dù số mắc có gia tăng, nhưng tình hình dịch được kiểm soát. Công tác giám sát, ngăn chặn lây lan của các ca bệnh thuận lợi nhờ có sự phối hợp của các điểm trường, điểm giữ trẻ sẵn sàng hợp tác và thực hiện các biện pháp giám sát phòng dịch nên các ca bệnh được kiểm soát, không lây lan cho những trẻ khác”.

Điều đáng mừng là sự cảnh giác trẻ mắc tay - chân - miệng được đặc biệt quan tâm ở các gia đình. Bác sĩ Trần Kỹ, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, thông tin: “Có những trường hợp trẻ có dấu hiệu sốt, nổi các mụt trên da, miệng cha mẹ trẻ đã đưa đến bệnh viện để khám và có tâm lý sợ con mình mắc bệnh tay - chân - miệng, tuy nhiên một số trường hợp không phải bị bệnh tay - chân - miệng. Cho thấy, đa số các gia đình đã biết được căn bệnh này. Đối với những trẻ có triệu chứng bệnh tay - chân - miệng, chúng tôi khám và tư vấn gia đình kỹ và yêu cầu gia đình theo dõi trẻ trường hợp điều trị ngoại trú, những nhập viện điều trị nội trú cũng sẽ được nhân viên y tế theo dõi sát diễn biến bệnh”.

Song theo nhận định của bác sĩ Trần Kỹ, hàng năm thời điểm này hầu như rất ít có trường hợp bệnh được ghi nhận, năm nay số mắc cao hơn bình thường những năm trước nên cần quan tâm phòng bệnh và điều trị kịp thời, hiệu quả cho trẻ bệnh tay - chân - miệng.

Chủ động khâu phòng bệnh

Tất cả ca bệnh tay - chân - miệng được ghi nhận đều có đặc điểm là trẻ dưới 5 tuổi, do đó cần quan tâm chủ động phòng bệnh ở nhóm tuổi này.

Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo: “Những gia đình có con từ 5 tuổi trở xuống cần quan tâm thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, vệ sinh đồ chơi của trẻ, rửa tay bằng xà phòng đúng cách, tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng,… để phòng bệnh hiệu quả. Mục tiêu, quan điểm trong phòng, chống dịch của tỉnh năm nay là giảm tỷ lệ mắc so với cùng kỳ, khống chế kiểm soát tốt các ổ dịch. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục phổ biến, tư vấn, hướng dẫn cho người dân về cách phòng, phát hiện bệnh và chăm sóc cho trẻ bị bệnh. Nhằm huy động cả cộng đồng chung tay phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, trong đó có bệnh tay - chân - miệng”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mắc bệnh tay - chân - miệng hàng ngày. Khi phát hiện có ca bệnh sẽ phối hợp với địa phương xử lý triệt để đúng theo hướng dẫn.

Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố cũng xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và chỉ đạo các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực theo dõi trên phần mềm quản lý dịch để cập nhật sớm, xử lý kịp thời khi xảy ra các ca bệnh ở địa bàn mình. Ông Chu Biên Cương, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh Trạm Y tế phường IV, cho biết: “Để chủ động phòng dịch, chúng tôi tăng cường giám sát kịp thời khi có ca bệnh, không để lây lan thành dịch lớn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Phối hợp các điểm trường mầm non, mẫu giáo tăng cường các giải pháp phòng bệnh, tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ chơi dụng cụ của trẻ em, khi tiếp nhận trẻ có dấu hiệu mắc bệnh sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp phòng dịch lây lan”.

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh lưu hành thường xuyên ở tỉnh, năm 2023 tình hình mắc bệnh tay - chân - miệng ở tỉnh đã gia tăng nhiều so với năm trước và có 1 trường hợp tử vong.

Trước tình hình số ca mắc bệnh tay - chân - miệng đã gia tăng so với cùng kỳ năm trước ở thời điểm này, việc chủ động thực hiện các giải pháp phòng bệnh là thật sự cần thiết, có ý nghĩa nhằm thực hiện đạt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tử vong do căn bệnh này ở tỉnh đến cuối năm.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 116 ca bệnh tay - chân - miệng, tăng so với cùng kỳ 78 ca. Bệnh tay - chân - miệng là bệnh lưu hành thường xuyên ở tỉnh, năm 2023 tình hình mắc bệnh tay - chân - miệng ở tỉnh đã gia tăng nhiều so với năm trước và có 1 trường hợp tử vong.  

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>