Phục hồi chợ nổi Ngã Bảy: Không dễ !

17/10/2018 | 08:36 GMT+7

Hội thảo “Phục hồi chợ nổi Ngã Bảy gắn với liên kết các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp” nhằm hướng đến khai thác, phát huy du lịch sông nước của khu chợ nổi tiếng này.

Một góc nơi chợ nổi Ngã Bảy tụ họp trước đây.

Phục hồi một tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo

Khỏi cần bàn về sự độc đáo, đặc sắc của chợ nổi Ngã Bảy nức tiếng một thời, bởi bề dày lịch sử hơn trăm năm lẫn quy mô khó nơi nào sánh được. Trong ký ức những người dân ở đây cũng như du khách từng đến đây, chợ nổi này là nhất. Bởi nó là nơi hội tụ của 7 nhánh sông, như hình một ngôi sao rất độc đáo. Nơi đây cũng đã đi vào thơ, nhạc càng làm say đắm lòng người. Khi hưng thịnh, mỗi ngày nơi đây có trên dưới 1.000 ghe thuyền neo đậu, buôn bán. Rồi năm 2001, chợ nổi được dời về cách đó 3km và dần chìm vào quên lãng vì sự thưa thớt ghe xuồng, không đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.

Năm 2014, Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ra đời với một kế hoạch khá toàn diện để khai thác tiềm năng, biến du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, việc khôi phục và phát huy chợ nổi Ngã Bảy, kết hợp khai thác gắn với du lịch sông nước là một trong những mục tiêu lớn. Năm 2015, thị xã Ngã Bảy đã khởi công dự án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn”, với mục tiêu tái hiện không gian trên bến, dưới thuyền. Tổng kinh phí đầu tư của công trình này là 35 tỉ đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đây là điều kiện và là động thái để phục hồi chợ nổi Ngã Bảy.

Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã kêu gọi đầu tư về lĩnh vực du lịch, trong đó có chợ nổi Ngã Bảy. Hiện cũng có doanh nghiệp đang tìm hiểu để đầu tư, khai thác nơi này một cách toàn diện gắn với mục tiêu chỉnh trang đô thị, khôi phục chợ nổi thành chợ nông sản miền Tây, xây dựng những làng nghề quanh những nhánh sông thành những điểm dừng chân và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù…

Bằng cách nào ?

Ý kiến tâm huyết của các đại biểu dự hội thảo tập trung vào việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết để xây dựng những tua, tuyến du lịch hấp dẫn, không chỉ ở Ngã Bảy, Phụng Hiệp mà mở rộng cả tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là các dự án nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ kinh doanh… Đáng chú ý nhất là ý kiến hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng. Đây là một hướng hay mà Hậu Giang cũng đang tập trung xây dựng ở vùng khóm Cầu Đúc (thành phố Vị Thanh), không tốn kém nhiều, mà du khách lại rất thích nếu sản phẩm độc, lạ.

Ông Lê Phú Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist Tây Nam bộ, chia sẻ: “Bên cạnh liên kết tua tham quan với các địa phương lân cận, Hậu Giang cần nghiên cứu để xây dựng sản phẩm thật đặc thù, khai thác nét hoang sơ ít có sự can thiệp của con người, cũng không quá tải, không thương mại hóa như các nơi khác. Mặt khác, cần xây dựng các sản phẩm khác tại địa phương như nghỉ trong nhà dân, tổ chức tua xe đạp, ghe, tàu thăm các con đường làng, vườn cây ăn trái, đồng lúa, làng nghề truyền thống; tổ chức hoạt động tại địa phương để du khách cùng tham gia: hướng dẫn gói bánh, nấu ăn…”.

Dự định thì nhiều, nhưng từ thực tế từng phần việc cụ thể để có thể phục hồi chợ nổi Ngã Bảy không đơn giản, trong khi hệ thống giao thông đường bộ đã phát triển, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đã không còn là sự lựa chọn hàng đầu. Người dân cũng không còn phải đi bằng ghe, thuyền ra chợ để bán mà thương lái đã vào mua tận nhà. Đây là cái khó đầu tiên khi xây dựng lại không gian đông đúc, trên bến dưới thuyền của nơi đây. Nhất là hơn 15 năm nay, chợ nổi vốn xôm tụ đã trở nên đìu hiu khi dời đến chỗ mới. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra phải vừa phục vụ du lịch, vừa là đầu mối giao thương…

Nhưng với quyết tâm xây dựng nơi đây thành một điểm nhấn du lịch, không phải của riêng Ngã Bảy, mà của tỉnh Hậu Giang, thì hoàn toàn có thể tin rằng Hậu Giang sẽ có một giải pháp tốt để phục hồi và khai thác chợ nổi Ngã Bảy. Ông Đỗ Chiêu Quí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chia sẻ: “Hội thảo là dịp để chúng tôi lắng nghe và tìm cho mình một cách làm hiệu quả nhất. Chúng tôi rất trân quý những ý kiến đóng góp, hiến kế và sẽ tiếp tục mong muốn nhận được những ý kiến quý báu từ những người có tâm huyết với chợ nổi Ngã Bảy nói riêng, du lịch Hậu Giang nói chung”.

   Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>