Điểm nhấn từ thực hiện Nghị quyết số 33

25/03/2024 | 08:19 GMT+7

Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở Hậu Giang đã nâng lên một bước, đó là kết quả của một hành trình triển khai sâu rộng, đa dạng hình thức Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Từ sự chung tay, góp sức của người dân, diện mạo nông thôn đã thay đổi tích cực, ngày càng đẹp hơn.

Kết quả nổi bật

Kết quả nổi bật sau một hành trình triển khai Nghị quyết số 33 chính là cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang vào năm 2014 trong toàn tỉnh. Bắt đầu từ việc tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên thông qua cổ động trực quan (pano, băng rôn, cờ phướn, khẩu hiệu...), tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, địa phương.

Để việc tuyên truyền hiệu quả, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh, toàn ngành văn hóa đã lồng ghép công tác tuyên truyền vào từng nhiệm vụ cụ thể. Điểm nổi bật là triển khai có hiệu quả từng nội dung của Phong trào Toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền các tiêu chí của gia đình văn hóa, ấp, xã văn hóa thật cụ thể để người dân hiểu chung tay thực hiện.

Trong các hội thi, hội diễn, xây dựng gia đình văn hóa cũng được tập trung tuyên truyền ở từng khía cạnh, như ý thức xây dựng văn hóa giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư, dần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, nhằm đảm bảo phát triển văn hóa. Hiện nay, tỉnh đã có thiết chế Trung tâm Văn hóa tỉnh khang trang, hiện đại, Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh đang được quy hoạch xây dựng; trên 80% các xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao. Hệ thống thiết chế văn hóa đang từng bước khai thác, phát huy công năng, tạo nên những điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở cơ sở khai thác, tổ chức phục vụ người dân. Việc đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng hoàn thiện là nền tảng vững chắc, từng bước đa dạng hoạt động, cung cấp thông tin, phương tiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân lên một bước mới.

Sự quan tâm đặc biệt lĩnh vực này của Tỉnh ủy, UBND tỉnh

Tháng 7-2023, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, UBND tỉnh sau đó ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện một cách bài bản, bám sát từng mục tiêu cụ thể.

Trong đó, chú trọng đến các mục tiêu cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hệ giá trị gia đình truyền thống và hiện đại, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng gia đình văn hóa, tỉnh có 186.374 gia đình đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ trên 93%), 41/51 xã văn hóa nông thôn mới (chiếm 80,39%); 21/24 phường, thị trấn văn minh đô thị (chiếm 87,5%).

Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng những mô hình hiệu quả ở địa phương, để góp phần hạn chế những mặt tiêu cực, giúp người dân hiểu và thấy được việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, là trách nhiệm của mỗi người. Toàn tỉnh có 137 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Những nhân tố mới, điển hình luôn được quan tâm, tuyên dương, nhân rộng kịp thời.

Sự đầu tư của tỉnh về hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng toàn diện, đồng bộ; tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đã dần mang lại những kết quả.

Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bằng việc xây dựng đề án, kế hoạch phát huy đờn ca tài tử, Aday, Dù kê; trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn... Tất cả cùng góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng con người Hậu Giang phát triển toàn diện, trong đó cốt lõi là giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; định hướng sự phát triển toàn diện phù hợp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kết quả này là một quá trình dài, từ tầm nhìn chiến lược của tỉnh, đã cụ thể hóa bằng những nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch... ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã cụ thể hóa bằng những đề án phát huy các giá trị văn hóa một cách chuyên sâu, để tiếp tục đưa hoạt động văn hóa, xây dựng con người ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh nói riêng, của đất nước nói chung”.

Kết quả này còn là sự vào cuộc của người dân, khi được tuyên truyền đầy đủ, sâu rộng, thấy được tầm quan trọng của bản thân, gia đình, để cùng góp công, góp sức, đưa đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được hoàn thiện, nâng tầm.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>