Báo Hậu Giang điểm tin sáng 26 - 3

26/03/2024 | 05:44 GMT+7

Mời Quý độc giả theo dõi tin tức sáng nay: 13 năm bánh mì vào từ điển Oxford; Động đất ở ngoại thành Hà Nội; Giáo sư y khoa Hàn Quốc bắt đầu từ chức, giảm giờ làm; Apple đàm phán với đối tác Trung Quốc phát triển AI cho iPhone; ‘Thác máu’ bí ẩn ở Nam Cực đã có lời giải.

13 năm bánh mì vào từ điển Oxford

Bánh mì Việt Nam rất đa dạng, mỗi vùng miền lại có những cách ăn khác nhau.

Ngày 24-3, là kỷ niệm 13 năm "banh mi" đi vào từ điển Oxford như một danh từ riêng, để chỉ bánh mì Việt Nam và chỉ có Việt Nam mới có loại bánh này. Vào năm 2011, người Việt Nam hân hoan khi “banh mi” chính thức là một danh từ riêng được từ điển nổi tiếng đưa vào.

Dù có nguồn gốc châu Âu nhưng bánh mì Việt Nam khác lắm ổ bánh mì nơi khai sinh ra nó.

Người Việt ăn cơm ăn xôi, văn minh Việt Nam là văn minh ngàn năm lúa gạo. Trước đó, chúng ta không ăn bánh mì.

Bánh mì theo chân người Pháp đến Sài Gòn, xuống Nam Kỳ lục tỉnh, ra miền Bắc rồi "phải lòng" cả dân tộc này. Giờ đây không ở đâu mà không có bánh mì.

Đó là lý do mà khi nói về bánh mì kẹp thịt của người Việt, người nước ngoài dùng chữ "Vietnamese sandwich" vẫn thấy có gì đó... sai sai nên mới có hai chữ "banh mi" được bổ sung vào từ điển Oxford, bên cạnh baguette, sandwich...

Chiếc bánh mì kẹp thịt Việt Nam nổi tiếng, The Guardian không ngại ngần gọi đây là "loại sandwich ngon nhất thế giới".

Động đất ở ngoại thành Hà Nội

Trận động đất trên xảy ra vào 8 giờ 5 phút 35 giây, tại tọa độ 20.770 độ Vĩ Bắc - 105.720 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 16 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Vị trí xảy ra động đất tại huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km.

Người dân chia sẻ, nhiều khu vực tại huyện Mỹ Đức và các vùng lân cận đều cảm nhận được sự rung lắc do động đất gây ra, đặc biệt là tại các xã Đồng Tâm, Thượng Lâm, Tuy Lai, An Mỹ…

Một số người dân ở các vùng lân cận như Chương Mỹ, Quốc Oai cũng chia sẻ cảm nhận được sự rung lắc.

Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Cùng ngày, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, vào lúc 3 giờ 54 phút 40 giây và 5 giờ 57 phút 18 giây, đã xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 3.2 và 3.7, tại tọa độ 14.957độ Vĩ Bắc - 108.237 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.

Trước đó, chỉ trong ngày 16/3, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra tới 7 trận động đất.

Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4.7, xảy ra vào chiều 23/8/2022.

Giáo sư y khoa Hàn Quốc bắt đầu từ chức, giảm giờ làm

Các giáo sư ngành y tại Hàn Quốc cho biết sẽ nộp đơn từ chức hàng loạt từ hôm nay, đồng thời cắt giảm giờ làm để ủng hộ bác sĩ thực tập.

Giáo sư từ 19 trong số 40 trường y đã ký một tuyên bố chung, cho biết sẽ "nộp đơn từ chức từ hôm nay". Các trường y bao gồm Bệnh viện Đại học Soonchunhyang Cheonan, Đại học Quốc gia Chungnam. Trong khi đó, giáo sư tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Y khoa Đại học Quốc gia Seoul (trường y lớn nhất Hàn Quốc) cũng sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối ngày để thảo luận xem có tiếp tục giữ chức vụ hay không.

Đến năm 2035, 30% dân số của Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Thống kê của Công ty Bảo hiểm y tế quốc gia, nhu cầu nhập viện của người cao tuổi cao gấp 11 lần so với độ tuổi 30 và 40. Với 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các cơ quan nghiên cứu dự đoán nước này sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ vào năm 2035. Đây là lý do khiến chính phủ quyết định tăng chỉ tiêu sinh viên trường y.

Tuy nhiên, sau đó hơn 9.000 bác sĩ thực tập và nội trú đã đình công để phản đối, từ ngày 20/2 đến nay, cho rằng điều này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến chi phí khám chữa bệnh cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, giới chức nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.

Apple đàm phán với đối tác Trung Quốc phát triển AI cho iPhone

Bloomberg đưa tin, Apple đang đàm phán với Google để cho phép sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo Gemini trong phiên bản iOS 18 sắp tới dành cho iPhone. Ngoài ra, Táo khuyết cũng đã thảo luận với OpenAI về một thỏa thuận tiềm năng liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Tờ Wall Street Journal mới đây cho biết, Apple đã có cuộc đàm phán với dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất Trung Quốc Baidu để được cấp phép sử dụng các mô hình AI của họ trên iPhone. Mục đích của cuộc đàm phán này là để phục vụ các yêu cầu về AI cho khách hàng của Apple tại thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi luật pháp quốc gia này yêu cầu các mô hình AI phải được cơ quan quản lý phê duyệt trước khi được phép sử dụng.

Hiện tại, cơ quan quản lý Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình, bao gồm cả mô hình AI tạo sinh Ernie Bot do Baidu phát triển. Trong khi đó, dịch vụ của Google không hoạt động tại Trung Quốc và chatbot Gemini cũng chưa được phê duyệt bởi cơ quan quản lý nước này. Tương tự với trường hợp dịch vụ ChatGPT của OpenAI.

CEO Tim Cook từng tuyên bố, Apple sẽ mang đến những đột phá mới trong lĩnh vực AI và iOS 18 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong lộ trình đó. Tuy nhiên, dường như các nỗ lực của Apple chỉ tập trung vào những tính năng AI quy mô nhỏ, hoạt động trên thiết bị và không yêu cầu kết nối Internet.

‘Thác máu’ bí ẩn ở Nam Cực đã có lời giải

Hơn 100 năm trước, nhà địa chất học người Anh Griffith Taylor đã phát hiện ra một thung lũng băng bí ẩn ở Nam Cực với dòng thác chảy ra có màu đỏ y như máu.

Trong hơn một thế kỷ, hiện tượng mà ông Taylor gọi là “Thác máu” này đã khơi dậy trí tò mò của các nhà khoa học và những người yêu thích các địa danh kỳ bí trên toàn thế giới.

Năm 2017, một nhóm nghiên cứu sử dụng radar xuyên lòng đất phát hiện ra mạng lưới các vết nứt có kích thước khác nhau trên nền băng, tạo thành một hồ chứa nước mặn bị chôn vùi. Chính điều này đã cung cấp nước cho dòng thác ở mõm sông băng.

Nồng độ muối cao kết hợp với áp suất ở đáy sông băng giữ cho nước chảy, bất chấp nhiệt độ xuống âm độ C. Nhưng nguyên nhân gây ra sự thay đổi màu sắc đột ngột vẫn còn là một bí ẩn.

Các nghiên cứu khác được thực hiện vào những năm 1960 tuyên bố chỉ tìm thấy dấu vết rất nhỏ các khoáng chất trong mẫu nước từ sông băng bên dưới thác máu. Điều này không đủ để giải thích hiện tượng tại sao nước lại có màu đỏ.

Đến năm 2023, với kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia chỉ ra nghiên cứu trước đây đã bỏ sót những hạt nano này, vì chúng rất nhỏ và không có cấu trúc tinh thể. Hầu hết các phương pháp phân tích tiêu chuẩn được các nhà khoáng vật học sử dụng trước đó đều bỏ qua những vật liệu vô định hình như vậy.

Phân tử muối sắt nano rỉ ra khỏi sông băng và bị oxy hóa thành màu đỏ khi tiếp xúc lâu với không khí. Điều này lý giải cho màu sắc đỏ như máu của thác nước mà chúng ta thấy ngày nay.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>