Báo Hậu Giang điểm tin sáng 20 - 02

20/02/2024 | 05:45 GMT+7

Mời Quý độc giả theo dõi tin tức sáng nay: Tưng bừng Lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải (Bạc Liêu); Phát hiện loài thằn lằn mù mới tại Việt Nam; Hàng nghìn phụ huynh ở Anh tham gia phong trào "một tuổi thơ không có điện thoại thông minh"; 'Bà mối' AI mát tay, giúp nhiều cặp đôi Nhật Bản quen và cưới; Báo động chất thải nguy hại từ hàng triệu tấm pin mặt trời cũ.  

Tưng bừng Lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải (Bạc Liêu)

Đông đảo người dân vùng ven biển Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang và du khách từ khắp nơi đã về Lăng Ông Duyên Hải tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) để tham gia lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải (diễn ra trong 3 ngày, từ 17 - 19/2/2024).

Phần lễ được bắt đầu với nghi thức diễu hành, rước Ông từ biển vào với sự tham gia của đoàn tàu đánh cá trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Các bô lão, thiếu nữ… nghiêm trang trong bộ lễ phục, kính cẩn làm lễ tại Lăng Ông Duyên Hải theo nghi thức truyền thống của người dân miền biển để cầu cho mưa thuận, gió hòa, tàu thuyền ra khơi đầy ắp cá, tôm…

Ban tổ chức lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải cho biết, yếu tố quan trọng hàng đầu mà Ban tổ chức hướng tới ở lễ hội năm nay chính là việc tổ chức phải trang trọng, đồng thời phải đảm bảo an toàn. Theo đánh giá của Ban tổ chức lễ hội, lễ hội Nghinh Ông năm nay được tổ chức chu đáo, sinh khí cũng rộn ràng hơn do việc tổ chức quy mô hơn cả về phần lễ lẫn phần hội với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao. Nghinh Ông là lễ hội văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân vùng biển Bạc Liêu nói riêng, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long nói chung…

Phát hiện loài thằn lằn mù mới tại Việt Nam

Thằn lằn mù mới thuộc họ Dibamidae được các nhà khoa học phát hiện tại Vườn quốc gia Núi Chúa.

Loài thằn lằn mù mới có tên khoa học Dibamus deimontis, được đặt theo tên của địa danh nơi phát hiện (trong tiếng latin "deimontis" có nghĩa là "núi Chúa"). Loài này được các chuyên gia của Việt Nam và Liên bang Nga phát hiện và mô tả dựa trên các mẫu vật thu thập trong đợt khảo sát thực địa trong năm 2023 của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Vườn quốc gia Núi Chúa. Đây là loài thứ 8 của giống Dibamus được ghi nhận ở Việt Nam. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zootaxa hồi đầu tháng 2.

Trước đó một loài khác là Dibamus tropcentr cũng được mô tả ở Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Song theo ThS Sơn, khác với loài D. tropcentr được phát hiện ở sinh cảnh rừng xanh khô ven biển vùng đất thấp (độ cao 200 - 300 m so với mực nước biển), loài D. deimontis được tìm thấy ở sinh cảnh rừng xanh ẩm trên núi, gần đỉnh núi Chúa (độ cao 670 - 700 m so với mực nước biển). Mặc dù nhóm nghiên cứu đã chú trọng tìm kiếm ở các đai độ cao khác, họ không phát hiện thêm cá thể nào của giống Dibamus.

Hàng nghìn phụ huynh ở Anh tham gia phong trào "một tuổi thơ không có điện thoại thông minh"

Hơn 4.000 phụ huynh tại Anh đã tham gia một cộng đồng cam kết không cho trẻ nhỏ sử dụng điện thoại thông minh.

Phòng trào trên được triển khai vì mối lo ngại ngày càng tăng về an toàn trực tuyến và tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em.

Nhóm WhatsApp Tuổi thơ không có điện thoại thông minh được thành lập bởi hai người bạn cũ là Clare Fernyhough và Daisy Greenwell nhằm đáp lại những lo ngại của họ về việc trẻ em sử dụng điện thoại thông minh và "tiêu chuẩn" để cung cấp cho trẻ em các thiết bị thông minh khi chúng học trung học.

Fernyhough và Greenwell hy vọng phong trào này sẽ khuyến khích các bậc cha mẹ trì hoãn việc cho con mình sử dụng điện thoại thông minh cho đến ít nhất 14 tuổi và không được phép truy cập mạng xã hội cho đến 16 tuổi.

Họ khuyến khích mọi người thành lập các nhóm tại địa phương để tham gia phong trào. Fernyhough cho biết: "Trước mắt, chúng tôi nhận thấy trong vòng nửa giờ, đã có 30 nhóm địa phương được lập ra lên trên khắp đất nước và số lượng này ngày càng tăng lên".

Nhóm, được chuyển đổi thành một cộng đồng để cho phép nhiều người tham gia hơn, hiện có khoảng 4.500 thành viên.

'Bà mối' AI mát tay, giúp nhiều cặp đôi Nhật Bản quen và cưới

Theo Cơ quan Trẻ em và Gia đình của Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3-2023 có 31 trong số 47 tỉnh tại nước này đã cung cấp dịch vụ mai mối sử dụng AI. Chính quyền thành phố Tokyo đã tham gia hoạt động này vào tháng 12 năm ngoái.

Tại tỉnh Ehime ở miền Tây Nhật Bản, chính quyền đã sử dụng dữ liệu lớn để kết nối người độc thân với những bạn đời tiềm năng. Hệ thống của tỉnh đề xuất các đối tượng "xem mắt" dựa trên thông tin cá nhân đã đăng ký với trung tâm hỗ trợ kết hôn và lịch sử duyệt web của những người đang tìm kiếm bạn đời.

Mục đích của chương trình này là mở rộng diện lựa chọn, thay vì giới hạn tiêu chí ở học vấn và tuổi tác. Mỗi năm có khoảng 90 cặp vợ chồng đã kết hôn với sự hỗ trợ của trung tâm này.

Tỉnh Tochigi ở phía Bắc thủ đô Tokyo cũng sử dụng hệ thống trên. Ngoài ra, trong một hệ thống khác, người dùng sẽ trả lời hơn 100 câu hỏi. Dựa vào thông tin này, AI sẽ phân tích những phẩm chất mà một người đang tìm kiếm ở một bạn đời tiềm năng và ngược lại trước khi kết nối họ.

Ở tỉnh Saitama, gần Tokyo, nơi hệ thống được giới thiệu vào năm 2018, có 139 cặp đôi đã kết hôn tính đến cuối tháng 11 năm ngoái.

Tỉnh Shiga đã ra mắt trung tâm hỗ trợ kết hôn trực tuyến vào năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tính đến cuối tháng 1, có 13 cặp đôi đã quyết định kết hôn thông qua trung tâm hỗ trợ. Trong số này, 6 cặp đôi do AI giới thiệu.

Giáo sư Takeaki Uno của Viện Tin học quốc gia, người tham gia phát triển hệ thống AI nói trên của tỉnh Ehime, nhận định việc sử dụng AI trong dịch vụ mai mối sẽ giúp tăng phạm vi đối tượng hẹn hò tiềm năng, mang lại lợi ích cho nhiều người.

Báo động chất thải nguy hại từ hàng triệu tấm pin mặt trời cũ

Ngoài các thành phần có khả năng gây nguy hiểm cho con người như chì và cadmium, các tấm pin mặt trời còn sử dụng nhiều loại vật liệu khác như thủy tinh, nhôm và silicon. Chúng có thể gây ra mối đe dọa cho môi trường nếu không được xử lý đúng cách và vứt vào bãi chôn lấp, theo trang Oil Price.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia và khu vực đã đưa ra luật và tiêu chuẩn liên quan đến việc thải bỏ các tấm pin mặt trời một cách thích hợp.

Ví dụ, Chỉ thị về chất thải điện và điện tử (WEEE) của Liên minh châu Âu đưa ra các hướng dẫn chính xác về việc thu thập, xử lý, tái chế và thu hồi các tấm pin mặt trời.

Trong khi đó, Đạo luật Phục hồi và Bảo tồn tài nguyên Mỹ (RCRA) quy định việc xử lý và tiêu hủy nhiều chất thải nguy hại, trong đó có một số loại tấm pin mặt trời.

Tuy nhiên bất chấp những luật và quy định này, dữ liệu chỉ ra rằng chưa đến 10% số tấm pin đã ngừng hoạt động ở Mỹ được tái chế.

Tương tự như vậy, tỉ lệ tái chế các tấm pin mặt trời ở Liên minh châu Âu cũng vào khoảng 10%, mặc dù luật pháp EU quy định các nhà sản xuất tấm pin mặt trời phải thu hồi tối thiểu 80% khối lượng của mỗi tấm pin.

Tệ hơn nữa, các nỗ lực tái chế tấm pin mặt trời vẫn còn ở giai đoạn đầu và có thể không tiến triển đủ nhanh để loại bỏ những thiệt hại đã gây ra.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), thế giới có thể chứa 78 triệu tấn rác chỉ từ các tấm pin mặt trời vào năm 2050.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>