Đưa võ cổ truyền vào trường học

24/10/2019 | 10:40 GMT+7

Môn võ cổ truyền ở Hậu Giang đang cho thấy tín hiệu vui, hứa hẹn phát triển khi được đưa vào trường học.

Một số động tác cơ bản của võ cổ truyền đã được đưa vào tập thể dục giữa giờ ở Trường THPT Vị Thủy.

Gần 1 tháng qua, thời gian tập thể dục giữa giờ của khoảng 1.000 học sinh ở Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy không còn đơn điệu, mà thay vào đó là các động tác võ cổ truyền mạnh mẽ, dứt khoát. Các học sinh đều cảm thấy thú vị và bổ ích khi được tập luyện thêm môn võ này. Trước khi đưa vào áp dụng, nhà trường cũng đã thông tin cụ thể những vấn đề liên quan, kiến thức cần thiết về môn võ cổ truyền, giúp các học sinh không có cảm giác bỡ ngỡ. Những động tác của bài quyền căn bản công pháp phần 3, đều đảm bảo đúng với chuẩn của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, có giáo trình giảng dạy riêng đã được biên soạn hoàn chỉnh.

Em Trương Thị Ngọc Ánh, học sinh Trường THPT Vị Thủy, bộc bạch: “Các động tác võ cổ truyền được áp dụng vào tập thể dục giữa giờ, khiến em rất thích, không thấy nhàm chán bởi mang tính dứt khoát, đòi hỏi bản thân vận động nhiều. Do vậy, sau khi tan học, em và nhiều bạn trong trường còn tham gia tập luyện thêm võ cổ truyền ở câu lạc bộ”.

Tập luyện võ cổ truyền ngoài rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất cho học sinh còn là cách để bảo tồn và phát huy môn võ của dân tộc, giữ được những giá trị văn hóa kết tinh trong các bài quyền hay từng động tác. Để nâng cao hiệu quả, ý thức của học sinh trong việc tập luyện, mới đây, trường cũng đã tổ chức hội thi đồng diễn võ nhạc võ cổ truyền. Mỗi lớp được bố trí thành một đội để tập luyện biểu diễn thi đấu. Tuy là những vận động viên nghiệp dư nhưng các học sinh đều tích cực và phấn khởi tham gia, mong muốn mang về thành tích cao nhất.

Em Nguyễn Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Vị Thủy, cho biết: “Nhờ võ cổ truyền mà cả tập thể tụi em cũng trở nên đoàn kết, đồng lòng, gắn bó hơn bởi chỉ có như vậy thì bài tập mới đạt chất lượng, tạo sự kết dính. Đôi lúc luyện tập có mệt, vất vả nhưng bản thân mỗi bạn đều nỗ lực, cố gắng, mang đến những ý tưởng, sáng tạo mới đầy thú vị. Lớp em rất vui khi giành được giải nhất tại hội thi”.

Bên cạnh đó, tại Trường THPT Vị Thủy cũng đã hình thành được câu lạc bộ võ cổ truyền, thu hút hơn 40 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên vào các buổi chiều trong tuần. Các học sinh tuy dáng người mảnh khảnh, nhưng ánh mắt rực sáng lên mỗi khi được tập luyện, thỏa đam mê. Theo chia sẻ của nhiều học sinh ở trường, điều quan trọng các em có được khi luyện võ là một thể lực tốt nhằm phục vụ hiệu quả cho việc học tập. Ông Phạm Hiếu Thời, giáo viên giáo dục thể chất, Trường THPT Vị Thủy, chia sẻ: “Phong trào tập luyện võ cổ truyền trong nhà trường đã được nhen nhóm từ nhiều năm trước. Một số em đã học tại các câu lạc bộ võ thuật ngoài nhà trường và đã có căn bản nhất định. Nhờ đó, khi trường triển khai, các em rất đồng tình và tập luyện bằng cả cái tâm, trách nhiệm. Chúng tôi cũng kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố triển vọng”.

Trường THPT Vị Thủy cũng có một số giáo viên được tạo điều kiện đi tập huấn chuyên sâu về võ cổ truyền, nhằm nâng cao kỹ năng truyền đạt. Tuy khởi đầu chỉ là các động tác căn bản võ cổ truyền được áp dụng trong tập thể dục giữa giờ, nhưng sẽ là đòn bẩy để mang môn võ này đến gần các võ sinh. Ngoài ra, trường cũng mong rằng thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức thêm nhiều giải đấu, hội thi, hội thao liên quan đến võ cổ truyền để khích lệ tinh thần tập luyện, nỗ lực của học sinh.

Việc đưa võ cổ truyền vào trường học sẽ giúp các học sinh tránh xa những trò chơi không lành mạnh, định hình về tính cách, tinh thần thượng võ, nâng cao tính kỹ luật, kiên trì, chịu khó,… Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, mong muốn các địa phương sẽ tăng cường phát triển thể dục thể thao trong trường học. Đây là điều cần thiết, giúp học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập, lao động tốt, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>