Chủ động phòng cháy ở nông thôn

05/04/2023 | 08:06 GMT+7

Hiện đang vào cao điểm khô hanh nên người dân ở vùng nông thôn, nơi còn khá nhiều nhà cây vách lá, cộng với thói quen chất củi sát nơi đun nấu, lại thêm ít quan tâm đến đường dây dẫn, thiết bị điện sinh hoạt trong gia đình... cần chủ động phòng ngừa cháy nổ nhiều hơn.

Vụ cháy làm thiêu rụi nhà sau và nhiều vật dụng trong nhà bà Điệp. (Trong ảnh: Chị Nguyễn Cẩm Linh (con gái bà Điệp) thu dọn cột, kèo nhà bị cháy) .

Tuy vụ cháy phần nhà sau xảy ra cách đây khoảng 3 tuần, nhưng bà Nguyễn Hồng Điệp, ở ấp 5, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chưa hết bàng hoàng: “Quá nguy hiểm, chút nữa là tôi bị thiêu sống luôn rồi”.

Bà Điệp bị bệnh tai biến, thấp khớp nhiều năm... nên đi lại khó khăn. Ngôi nhà tình nghĩa của gia đình hiện đã xuống cấp nặng, sau nhiều năm được địa phương hỗ trợ xây cất. Trong đó, một số chỗ rách trên vách lá sau nhà buộc phải chắp vá lại bằng những miếng nilon.

Nhất là, do thiếu kiến thức trong việc phòng cháy nên gia đình bà treo dây điện len lỏi vào cột gỗ, vách lá. Đây được xem là nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn bất ngờ đối với gia đình bà vừa qua. Bà Điệp kể, khoảng 3 giờ sáng của một ngày trung tuần tháng 3 năm nay, khi đang ngủ, một số thành viên trong gia đình nghe nhiều tiếng nổ lớn phát ra phía sau nhà, rồi lửa nhanh chóng bùng lên và lan dần đến nhà trước.

Quá bất ngờ, sợ hãi, cả nhà bà lúc này chỉ biết đẩy cửa chính, đạp cửa bên hông để thoát ra ngoài và điện thoại cho người thân, nhờ hàng xóm xung quanh đến chữa cháy. Gần 5 giờ sáng cùng ngày, ngọn lửa mới dập tắt hoàn toàn, song nhiều vật dụng trong gia đình bị lửa thiêu rụi hoàn toàn.

Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện. “Biết treo dây điện lên cột gỗ, vách lá là rất nguy hiểm, nhưng do gia đình đơn chiếc nên chưa thể kéo lại cho an toàn. Tôi dự định vài ngày nữa sẽ nhờ người thân đến thay dây điện, vậy mà... đã quá muộn rồi”, bà Điệp tự trách.

Tương tự, vào cuối tháng 2-2022, nhà bà Lê Thị Trừ, ngụ ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, đã xảy ra cháy, nguyên nhân cũng xuất phát từ chập điện. Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 25-2 năm ngoái, nhiều người dân nghe tiếng nổ phát ra từ nhà bà Trừ, sau đó ngọn lửa lan nhanh.

Khi phát hiện cháy, người dân xung quanh mang một số dụng cụ để dập lửa, nhưng bất thành. Khoảng hơn 20 phút sau, nhà bà Trừ bị thiêu rụi hoàn toàn. Rất may, lúc xảy ra cháy, trong nhà không có người.

Đó là 2 vụ cháy nhà lá mà nguyên nhân đều do chập điện. Theo ngành chức năng, hiện ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều nhà cây vách lá, nhưng ý thức phòng cháy của không ít hộ dân nơi đây còn khá hạn chế. Khi một số gia đình còn câu móc điện lên cột gỗ, vách lá; sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện lớn cùng lúc; sau khi sử dụng bếp gas không khóa van; nhiều trẻ em dùng lửa để nghịch ngợm.

Ngoài ra, nhiều gia đình có thói quen chất củi sát bếp, không có vật ngăn cách; khi đun nấu không thường xuyên trông coi; thậm chí để nhiều vật dễ cháy, nổ trong bếp... Do đó, khi xảy ra cháy, ngọn lửa thường bùng lên và lan nhanh, gây hậu quả khó lường.

Vì thế, thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân, trong đó có người dân ở nông thôn cần quản lý chặt nguồn nhiệt trong nhà, trẻ nghịch lửa gần nhà. Bố trí bếp đun nấu cách xa vật liệu dễ cháy; lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đúng yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy; các dây dẫn điện phải được đặt trong ống, đảm bảo an toàn.

Mặt khác, nên thiết kế một đường dây điện riêng để sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn; mỗi gia đình cần trang bị bình chữa cháy. “Người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra và vệ sinh các thiết bị điện. Trong quá trình mắc điện, cần có độ an toàn cao và khi sử dụng điện phải cẩn thận...”, trung tá Nguyễn Thanh Phong, Đội trưởng Đội phòng cháy Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, khuyến cáo.

Cũng theo trung tá Nguyễn Thanh Phong, người dân hạn chế tối đa việc tổ chức uống rượu, bia vào buổi tối tại nhà, vì khi hút thuốc trong lúc say xỉn thường không thể kiểm soát được việc bỏ tàn thuốc còn lửa nên dễ phát sinh cháy. 

Những ngày này, đang vào cao điểm khô hanh nên nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn khắp nơi trong tỉnh. Vì vậy, mọi người dân cần ý thức nhiều hơn trong việc phòng ngừa, để hạn chế thấp nhất “bà hỏa” ghé thăm...

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>