Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

27/11/2023 | 06:52 GMT+7

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang không ngừng nâng cao giá trị sản xuất, thông qua việc quy hoạch lại vùng chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để gia tăng chất lượng hàng nông sản.

Nông dân xã Phương Phú trồng khóm MD2 phục vụ cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Ảnh: D.KHÁNH

Đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Để thuận lợi trong việc quản lý và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Phụng Hiệp đã chủ động quy hoạch lại vùng sản xuất. Đến nay, cơ bản đã hình thành 3 vùng sản xuất gồm: cây ăn trái, lúa, mía. Như khu vực xã Tân Bình, trước đây là vùng canh tác lúa, nhưng hiện nay thế mạnh của địa phương này là sầu riêng. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã là 3.400ha, cây ăn trái chiếm khoảng 580ha, trong đó sầu riêng là 139ha.

Nhiều mô hình của nông dân chuyển đổi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.TRÚC

Gắn bó gần nửa đời người với cây lúa, nhưng làm mãi không có dư, cách đây 5 năm, bà Nguyễn Thị Xoàn, ở xã Tân Bình, đã mạnh dạn chuyển đổi 10 công lúa sang trồng sầu riêng. Vụ rồi vườn sầu riêng của gia đình bà Xoàn cho sản lượng hơn 15 tấn, trừ hết chi phí bà thu về lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. “Năm rồi sầu riêng trúng mùa  trúng giá nên nông dân trồng sầu riêng ở đây rất phấn khởi. Trung bình mỗi cây sầu riêng cho năng suất từ 50-100kg, giá bán hơn 50.000 đồng/kg, cho thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/cây”, bà Xoàn phấn khởi cho biết.

Song song với việc chuyển đổi để quy hoạch vùng sản xuất thì thời gian qua huyện Phụng Hiệp còn vận động người dân liên kết trong sản xuất, thông qua các tổ hợp tác, các HTX, để từ đó thuận lợi hơn trong việc triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tính đến nay, huyện xây dựng được 9 chứng nhận VietGAP, 4 giấy chứng nhận GlobalGAP với tổng diện tích gần 400ha. Và 19 mã số vùng trồng xuất sang Trung Quốc và EU với sản lượng 7.400 tấn nông sản các loại.

Ông Nguyễn Văn Út, người dân nuôi cá thát lát ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Gắn bó với nghề nuôi cá thát lát gần 10 năm, nhưng trước đây đa phần đều bán cho thương lái khi tới vụ thu hoạch. Nhưng 2 năm gần đây, gia đình đã ký hợp đồng với HTX Kỳ Như để sản xuất cá sạch. Đầu vụ HTX ký kết hợp đồng cho giá cụ thể, từ đó các xã viên rất an tâm để nuôi đạt năng suất”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Mục tiêu của huyện là đưa nông sản vươn xa hơn. Nhưng để làm được điều đó phải nâng cao được chất lượng hàng nông sản. Chính vì thế, thời gian qua ngoài việc gia tăng về sản lượng, huyện còn tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để nông nghiệp của huyện cất cánh, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phụng Hiệp đã ban hành Nghị quyết số 05 về Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch. Theo đó, huyện sẽ huy động các nguồn lực khoảng 12 tỉ đồng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Năm 2022, huyện đã đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây lúa, vú sữa hoàng kim. Năm 2023, huyện tiếp tục triển khai thêm 9 mô hình trên cây ăn trái, lúa, thủy sản, động vật hoang dã và các quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là những mô hình điểm để nông dân học tập khởi nghiệp trên chính mảnh đất, thửa ruộng của mình.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Mục tiêu hướng đến của Nghị quyết 05 là từng bước chuyển dịch nền nông nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu sang nền nông nghiệp sản xuất theo hướng tập thể, hiện đại đúng định hướng thị trường. Chính vì thế, ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất, huyện còn tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mã số vùng trồng hay các chứng nhận VietGAP để tạo điều kiện cho nông sản của huyện xuất đi các nước.

Nhiều định hướng phát triển

Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, trong định hướng của ngành tới đây sẽ tổ chức sản xuất phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất với các nông sản chủ lực theo chuỗi liên kết để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn; sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên và lao động, tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp với phát triển các kiến thức nông nghiệp truyền thống để nâng cao giá trị và tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chú trọng hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao, kết hợp với đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt, để chủ động sản xuất; đa dạng hóa cây rau màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày, cũng như thủy sản để nâng cao giá trị, cải tạo và nâng cao độ phì của đất; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, tạo sản phẩm mới, giá trị mới cho ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trong nông nghiệp. Thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, có sản lượng hàng hóa lớn, ổn định, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi, gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo giá trị. Tăng cường chuyển giao công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất đối với các nông sản chủ lực.

Tiếp tục hỗ trợ, đầu tư xây dựng được các mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình để nhân rộng. Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý hợp tác xã, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thành lập mới các tổ hợp tác, các hợp tác xã chuyên ngành làm đầu mối, đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết để tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn; thực hiện tốt liên kết 4 nhà. Phát triển mạnh trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp ở nông thôn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức; tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực có chất lượng cao; thường xuyên thông tin, dự báo kịp thời về thị trường nông sản. Thực hiện liên kết tỉnh và liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ hợp tác đưa các sản phẩm giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản tại các thành phố lớn...

Định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025 thì diện tích lúa gieo trồng cả năm khoảng 174.000ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm. Cây mía có diện tích 3.500ha. Sẽ tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản chủ lực của tỉnh, trong đó xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm trên 10% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 45.000ha, sản lượng 500.000 tấn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu đàn theo hướng tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn. Phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản và kinh tế nông thôn...

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>