Bài học từ thiên tai phức tạp

Bài 3: Tính chuyện sống chung với thiên tai

01/06/2016 | 08:08 GMT+7

Chủ động ứng phó để thích nghi tốt với loại hình thiên tai phức tạp, khó lường như xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian qua được xem là giải pháp tối ưu nhất đối với các cơ quan quản lý lẫn người dân Hậu Giang.

Hệ thống cống hở trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh dần phát huy hiệu quả.

Thông tin từ ngành chuyên môn, ước tổng thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra trên toàn tỉnh lên đến 13 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu so với 9 địa phương khác có công bố thiên tai trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì Hậu Giang được xem là đơn vị bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn thấp nhất. Con số đó còn gián tiếp nói lên sự chủ động thực hiện các biện pháp đối phó khá hiệu quả và kịp thời của người dân, cùng chính quyền địa phương.

Sự thích ứng cần thiết

Năm qua, lũ không về nên lượng phù sa bồi đắp cho vườn trái cây của người dân trên địa bàn thị xã Ngã Bảy bị thiếu hụt đáng kể. Thế mà vào đầu tháng 2 năm nay, mặn từ Biển Đông bất thường xâm nhập sâu vào tuyến kênh Cái Côn lại khiến nhà vườn nơi đây thêm một phen hú vía. Đơn giản là họ chẳng có chút kinh nghiệm gì để ứng phó với loại hình thiên tai mới xuất hiện lần đầu tiên kiểu này. Thay vì bỏ cuộc trước hiện tượng bất thường, anh Trần Văn Trề, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, lại gấp rút lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho 1ha cam sành 7 tháng tuổi mà Phòng Kinh tế Ngã Bảy chuyển giao thực hiện.

Tuy chi phí lắp đặt ban đầu khá cao, hàng chục triệu đồng nhưng hệ thống tưới phun mưa đã mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể là giảm công bơm tưới, tiết kiệm được lượng nước ngọt trong giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt kéo dài. Bởi so với tưới bằng máy thông thường, hệ thống phun mưa qua lá, sau đó ngấm từ từ xuống đất nên không hao nước, chưa kể là rút ngắn được thời gian lao động đáng kể. Anh Trề chia sẻ: “Lúc trước mình tưới 4 giờ liền, mất khoảng 2 lít xăng, nhưng giờ giảm xuống còn 2 tiếng đồng hồ và tốn 4kW điện thôi. Được cái nữa là không làm xói mòn đất, gốc rễ của cây”.

Giải pháp tưới tiết kiệm nước để góp phần duy trì sự sống cho cây trồng trước những tác động khó lường bởi thời tiết, khí hậu cũng được không ít hộ dân ở các xã vùng ven huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh áp dụng. Trong những hộ đó phải kể đến ông Phạm Văn Nho, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. Theo ông Nho, vài năm trở lại đây, có lẽ do biến đổi khí hậu nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại địa phương diễn biến phức tạp, khó lường. Có lúc, nồng độ mặn đo được tại cống Kênh Lầu, cách nhà ông chừng 100m đã vượt mức 15%o.

Xuất phát từ thực tế đó, ông Nho đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm nước cho riêng mình. Nhờ vậy, khu vườn cam, quýt rộng 0,7ha luôn được cung cấp đủ lượng nước cần thiết, tránh được thiệt hại sau nhiều đợt xâm nhập mặn dai dẳng trong những tháng mùa khô vừa qua. “Thời gian đầu tôi trữ nước dưới mương, nhưng do hạn, mặn gay gắt kéo dài nên chỉ tưới được chừng 20 ngày là cạn đáy. Thấy vậy, tôi nghĩ đến việc lắp đặt hệ thống ống nhựa, van, vòi phun, sau đó dùng môtơ điện bơm nước từ giếng khoan, nước máy vào đường ống chính, rồi chuyển sang các nhánh nhỏ tưới phun lên từng liếp”, ông Nho chia sẻ kỹ thuật.

Cùng động thái tích cực

Không phải đợi đến khi nước mặn xâm nhập “đến chân mới nhảy”, mà thực tế những năm gần đây, các cơ quan chuyên môn Hậu Giang đã ưu tiên triển khai hàng loạt dự án cấp bách nhằm chủ động ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, đảm bảo quá trình sản xuất nông nghiệp bền vững ở tương lai. Như dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, dài khoảng 70km; hệ thống cống ngăn mặn Nam kênh Xà No, với quy mô đầu tư xây dựng hàng loạt cống hở, khẩu độ từ 8-15m đi qua địa bàn huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện.

Dự kiến, cả 2 dự án chiến lược kể trên sau khi đưa vào khai thác sẽ giúp cho hàng chục ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp ở các khu vực vùng ven trên địa bàn tỉnh tránh được tình trạng xâm nhập mặn từ biển Tây theo hướng ngã ba sông Cái Lớn, Ngan Dừa lấn sang, kết hợp giữ nước ngọt và phòng chống lũ cho cả 2 mùa mưa nắng hàng năm. Một tín hiệu đáng mừng là toàn tỉnh hiện có trên 73.000ha, chiếm 56% diện tích đất canh tác đều được đầu tư nâng cấp, khép kín theo tiêu chí xã nông thôn mới. Tất cả đều đáp ứng yêu cầu ngăn lũ, trữ ngọt, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, khẳng định: Mười mấy năm chia tách tỉnh là bấy nhiêu năm Hậu Giang đều thực hiện chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô. Từ đó, hệ thống đê bao, kênh, mương nội đồng, trạm bơm trên địa bàn tỉnh nói chung khá hoàn chỉnh, góp phần quan trọng vào quá trình canh tác nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, trước những diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra, tỉnh đã có tờ trình xin Trung ương bố trí vốn đầu tư xây dựng dự án ô bao lớn kiểm soát mặn vùng Phụng Hiệp, Long Mỹ. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ sớm xem xét, xử lý cấp bách các dự án kiểm soát mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh...

Rõ ràng, biến đổi khí hậu hiện không còn là kịch bản nên đòi hỏi người dân và ngành chức năng tỉnh phải khẩn trương hành động bằng những giải pháp ứng phó cụ thể và quyết liệt hơn!

Rà soát lại quy hoạch tổng thể hạ tầng thủy lợi

Trong chuyến kiểm tra và làm việc với tỉnh Hậu Giang về tình hình thực hiện phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vừa qua, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Hậu Giang nói riêng trước đây xuất phát từ quan điểm quy hoạch thủy lợi nhằm mục tiêu thoát lũ và sống chung với lũ là chính. Cho nên, ngay từ bây giờ cần phải thêm vấn đề chủ động sống chung với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn.

Muốn vậy, Hậu Giang cần tiến hành rà soát lại quy hoạch tổng thể thủy lợi để có cơ sở đánh giá lại hiện trạng và đề xuất giải pháp triển khai thực hiện một cách cụ thể cho thời gian tới. Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân, Hậu Giang tiếp tục quan tâm nạo vét hệ thống kênh, rạch để giữ ngọt; cũng như xúc tiến xây dựng một số hồ chứa nước ngọt đáp ứng yêu cầu trữ nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất cho bà con ở những vùng bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn hàng năm.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>