Chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó thiên tai

13/06/2022 | 07:32 GMT+7

Vào cao điểm mùa mưa, bão, nhiều giải pháp chủ động ứng phó thiên tai được tăng cường triển khai. Qua đây giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại và mức độ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tại Hậu Giang, ngoài việc chịu ảnh hưởng hoàn lưu của bão, áp thấp nhiệt đới thì giông lốc và sạt lở đất là 2 loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra nhất.

Chủ động phương án, thiết bị

Công tác phòng, chống thiên tai năm năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 được triển khai quyết liệt, đồng bộ kịp thời từ phòng ngừa đến ứng phó, khắc phục. Phương châm “4 tại chỗ” được phát huy tối đa nên đã hạn chế thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy PCTT-TKCN) các cấp cũng thường xuyên cập nhật và truyền tải các thông tin về diễn biến thời tiết, khí tượng thuỷ văn, thiên tai kịp thời. Xác định công tác tuyên truyền là trọng tâm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp tập trung phổ biến các kiến thức phòng, ứng phó thiên tai cả về chiều rộng và chiều sâu. Qua đây, từng bước nâng cao nhận thức cũng như cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành, khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng đến cộng đồng. Công tác ứng phó, khắc phục đã bám sát thực tiễn, phù hợp với nguồn lực của địa phương. Các cấp chính quyền và Nhân dân vùng thiên tai đã chủ động tái thiết, phục hồi nhanh chóng, ổn định cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Bước vào mùa mưa, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát thường xuyên. Những nơi có nguy cơ sạt lở cao thì cắm biển để cảnh báo người dân.

Còn tại thành phố Vị Thanh, trước khi bước vào mùa mưa, địa phương tăng cường tuyên truyền vận động người dân chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn, gia cố bờ bao, bờ thửa bảo vệ sản xuất. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan với giông, lốc xoáy.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Thành phố Vị Thanh đã phê duyệt xong kế hoạch thu quỹ phòng chống thiên tai và xây dựng kế hoạch phân công Ban Chỉ đạo thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ sẵn sàng ứng phó. Vừa qua, khi có sự cố về thiên tai xảy ra ảnh hưởng tới nhà của người dân, Ban Chỉ huy các cấp tiến hành xử lý nhanh chóng, có mặt ngay để hỗ trợ người dân khắc phục, dọn dẹp, sớm ổn định cuộc sống.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng, ứng phó thiên tai trên địa bàn, ông Mai Lý Tưởng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ kiến nghị Ban chỉ huy tỉnh tăng cường cung cấp, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng nòng cốt để sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác phòng chống thiên tai ở cấp huyện, thị xã, thành phố cho lực lượng nòng cốt về cứu hộ cứu nạn, khắc phục thiên tai, mang tính chủ động và hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, hiện các địa phương đã chủ động phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Toàn tỉnh có khoảng 592 phương tiện đường bộ, 564 phương tiện đường thủy; trên 1.700 áo phao, trên 2.600 phao tròn cứu sinh, 66 nhà bạt cứu sinh và nhiều vật tư khác... Nhìn chung, phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cơ bản đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu về số lượng, một số được trang bị từ rất lâu, công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ còn nhiều hạn chế.

Hàng năm, trước mùa mưa bão, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông kiểm tra tổng thể mạng lưới, đặc biệt tại các vùng xung yếu, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, VNPT Hậu Giang kiểm tra mạng vô tuyến điện phòng chống thiên tai, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Giảm thiểu tối đa thiệt hại

Thống kê của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, năm 2021 toàn tỉnh đã xảy ra nhiều cơn lốc xoáy, làm sập hoàn toàn 15 căn, nhà tốc mái 65 căn. Có 30 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài sạt lở là 737m, gây mất đất bờ sông  4.457m2. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 8 điểm sạt lở trên địa bàn huyện Châu Thành, chiều dài 197m, diện tích mất đất 1.037m2, ước thiệt hại 516 triệu đồng. Giông lốc làm sập 7 căn nhà; tốc mái 29 căn; ước tổng thiệt hại là 485 triệu đồng. Tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay trên 1 tỉ đồng.

Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Mùa mưa năm 2022 đến sớm hơn trung bình nhiều năm, mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét. Thời tiết diễn biến phức tạp vào đầu mùa mưa, do vậy người dân cần theo dõi sát dự báo thời tiết. Chủ động chằng chống nhà cửa, kiểm tra đê bao, ô bao để gia cố sớm, chủ động máy bơm để tháo nước phòng trường hợp mưa lớn, tránh ngập úng cục bộ kéo dài. Về sản xuất, bà con tuân thủ đúng theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn để đảm bảo an toàn.

Trên tinh thần chủ động là chính, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp sớm rà soát, cập nhật, hoàn thiện kế hoạch, kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp từng địa phương. Sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời. Nhất là các tình huống bão muộn trên biển Đông đổ bộ vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long kèm theo mưa lớn, ngập lụt, giông, sét… Khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến của thời tiết. Ngoài giông lốc, sét đánh là loại hình thiên tai thường xảy ra vào mùa mưa, do vậy các địa phương chuẩn bị các đội xung kích ở cơ sở sẵn sàng ứng phó, xử lý nhanh theo phương châm “4 tại chỗ”.

Mới đây, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai, đổi mới cách làm về nội dung và hình thức để thông tin kịp thời tới các địa phương, nhất là người dân trong vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tăng cường chỉ đạo cơ sở, trong quá trình chỉ đạo phòng chống, ứng phó, khắc phục thiên tai vượt quá khả năng địa phương thì xin ý kiến Trưởng ban để chỉ đạo kịp thời. Tiếp tục rà soát, nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai cho Văn phòng Thường trực và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cấp huyện. Triển khai kè sinh thái chống sạt lở tại các vùng nông thôn; đặc biệt trên các tuyến kênh có tuyến lộ giao thông có nguy cơ sạt lở. Rà soát hệ thống các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn, để sớm khắc phục, nhằm giảm thiệt hại cho người dân.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>