Chú trọng công tác bảo vệ môi trường

01/02/2022 | 09:00 GMT+7

Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng xây dựng môi trường sống trong lành, cảnh quan môi trường luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Bằng nhiều giải pháp, chương trình, hoạt động, nhất là thực hiện các mô hình thiết thực của các cấp, các ngành, địa phương đã phát huy hiệu quả, góp phần định hướng, nâng cao nhận thức và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường đến người dân.

Tặng túi đựng, sọt rác cho hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A để xây dựng tuyến đường không rác thải.

Quan tâm bảo vệ môi trường

Phải khẳng định rằng, diện mạo cảnh quan môi trường trên địa bàn Tỉnh từ thành thị đến nông thôn mỗi ngày được cải thiện, khởi sắc. Nhiều tuyến đường đẹp được hình thành và được công nhận mỗi năm. Đó là nhờ sự đồng lòng, chung sức của người dân cùng với các cấp hội đoàn thể quyết tâm trong tạo dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường.

Bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: Công tác bảo vệ môi trường luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bằng nhiều giải pháp, chương trình, hoạt động, trong đó chú trọng việc xây dựng, thực hiện các mô hình cụ thể, thiết thực về bảo vệ môi trường, nhất là các mô hình có sự tham gia của đông đảo người dân chung tay xây dựng, bảo vệ môi trường.

Một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong năm 2021 là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2021.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hậu Giang, cho biết: Căn cứ nội dung của Đề án và các kế hoạch, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công cụ thể trong Đề án và kế hoạch, đồng thời lồng ghép nội dung Đề án trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh và địa phương đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn, trồng và chăm sóc cây xanh thông qua nhiều hình thức.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh,  Nghị quyết HĐND tỉnh đã được thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021.

Sở Tài nguyên và Môi trường còn xây dựng dự thảo kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và dự thảo Kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành. Đồng thời, các địa phương cũng xem xét đưa nội dung việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, việc chấp hành quy chế, quy ước cộng đồng vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa, văn minh đô thị.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng quan tâm về cảnh quan môi trường trong việc bình xét, suy tôn danh hiệu người tốt việc tốt; gia đình văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu; ấp, khu vực văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; chợ văn minh; cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; đơn vị có môi trường văn hóa tốt, trường học thân thiện, học sinh tích cực… 

Các cấp, các ngành, địa phương trồng cây xanh ở ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A.

Nhân rộng mô hình

Các huyện, thị xã, thành phố, cấp địa phương, hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh luôn xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng và bảo vệ môi trường. Một trong những mô hình được phát huy và nhân rộng là mô hình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh.

Bà Trần Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường IV, thành phố Vị Thanh, phấn khởi cho hay: Mô hình đổi rác thải lấy cây xanh là mô hình mang ý nghĩa thiết thực trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Không chỉ giảm thiểu việc vứt rác thải ra môi trường, còn tích cực phát động phong trào trồng và chăm sóc cây xanh. Từ đó, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong Nhân dân.

Theo bà Lê Thị Thùy Như, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, trên địa bàn huyện đã hình thành 13/58 tổ vệ sinh môi trường thu gom rác. Với mô hình này đã giải quyết được việc thu gom rác thải ở các tuyến đường nhỏ ở nông thôn, nơi chưa có xe đến thu gom rác. Đây là mô hình được thực hiện từ nguồn xã hội hóa và thu phí trong hộ dân để chi trả cho người đi thu gom. Tuy số tiền này cũng mang tính chất hỗ trợ là chính, nhưng để chung tay bảo vệ môi trường các tổ vệ sinh môi trường đều tích cực tham gia thực hiện. 

Một trong những mô hình đang thực hiện mang lại hiệu quả rất cao là mô hình phân loại rác thải. Bà Nguyễn Thu Mãi, Chủ tịch Hội LHPN phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, cho hay: Trước đây ở khu vực 7 là điểm nóng trong vấn đề xử lý rác thải. Với địa hình đường giao thông nhỏ hẹp, không có xe đến thu gom rác nên phần lớn người dân nơi này có thói quen vứt rác xuống sông. Chính điều này làm ảnh hưởng đến môi trường sống và thiên nhiên. Từ mô hình này đã giúp những khu vực được xem là khó nhất trong việc thu gom, xử lý rác thải nhưng nay trở thành khu vực thực hiện tốt trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

​​​​​​​

Nhiều mô hình hay về xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường IV, thành phố Vị Thanh, nhân rộng.

 Song song đó, trên địa bàn Tỉnh cũng còn rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường thiết thực như trồng cây xanh xen kẽ hoa trên các tuyến đường, trục lộ chính, trồng cây xanh, tuyến đường xanh - sạch - đẹp - an toàn, hố thu gom chất thải nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đổi rác thải lấy quà, rác thải ủ làm phân bón cho trồng cây... đang được triển khai và nhân rộng đã góp phần tích cực cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh cũng như thực hiện tốt Đề án Hậu Giang xanh, hướng đến một Hậu Giang xanh là nơi đáng sống.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Vị Thanh có 55/55 ấp khu, vực; huyện Châu Thành có 8/8 xã, thị trấn; huyện Châu Thành A có 10/10 xã, thị trấn; huyện Long Mỹ có 8/8 xã, thị trấn; huyện Vị Thủy có 70/75 ấp đã ban hành quy ước về bảo vệ môi trường hoặc đưa nội dung về bảo vệ môi trường trong quy chế, quy ước cộng đồng hoặc đưa việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào Tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu vực, ấp văn hóa và văn minh đô thị.

 

THÀNH XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích