Hiệu quả mô hình “Lúa cấy xen cá”

12/09/2018 | 10:16 GMT+7

Mô hình này ở ấp Bàu Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đem lại hiệu quả khá cao thời gian gần đây.

Mô hình “Lúa cấy xen cá” ở ấp Bàu Môn mang lại hiệu quả khá cao.

Toàn ấp Bàu Môn có 244 hộ thì có gần 95% hộ trồng lúa, hầu hết lúa trồng quy mô gia đình, giao thông chưa đảm bảo cho khâu tiêu thụ nên người trồng lúa ở Bàu Môn thu nhập thấp, hộ dân nghèo và cận nghèo nơi đây tới 56%/tổng số hộ. Nhắc lại nỗi trăn trở này, Trưởng ấp Bàu Môn Nguyễn Hoài Thanh nói: “Chỉ có tập hợp bà con lại, thay đổi cơ cấu giống, cải tiến cách sản xuất mới mong tăng thu nhập và giảm hộ nghèo”.

Điều ấy đã được Trưởng ấp và Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Môn triển khai rộng rãi ra dân hơn một năm qua.

Lần quay lại mô hình “Lúa cấy xen cá” gần đây nhất đúng vào thời điểm mưa gió liên tục, đường lầy lội, xe 2 bánh cũng không thể chạy, hết đoạn đi ghe đến lội sình nhưng đứng trước đám lúa xanh rì, cứng cây, thành viên của tổ liên kết rất yên tâm tin rằng vụ này sẽ là vụ thứ 2 diện tích lúa trong mô hình tiếp tục trúng mùa, giành thêm ưu thế thuyết phục bà con trong ấp làm theo.

Mô hình “Lúa cấy xen cá” được thành lập đầu năm 2017, do Trưởng ban Công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng ấp vận động bà con và trực tiếp điều hành.

Khi mới thành lập có 6 thành viên với khoảng 20ha đất trồng lúa. Vụ đầu tiên, trên diện tích thử nghiệm ấy thu hoạch tăng gần 1 tấn/ha, giá bán cao hơn lúa trồng vụ trước đó 1.000 đồng/kg, cộng thêm cá nuôi xen canh nên mỗi héc-ta đất, thành viên của mô hình tăng thu nhập khoảng 3 triệu đồng nhưng nhẹ công hơn.

Sơ kết vụ đầu, tuy thu nhập trên cùng diện tích tăng nhưng có những hao hụt. Không chùn bước, các thành viên tiếp tục vận động thêm 4 hộ tham gia. Cũng với cách làm như vụ trước nhưng vụ thứ 2, Ban điều hành mô hình khắc phục những hạn chế đã qua và chọn đổi giống lúa có bao tiêu sản phẩm.

Chị Trần Thị Nhường, thành viên mô hình, cho biết: “Với 25 công đất lúa, thay đổi từ gieo sạ sang cấy thưa và chuyển đổi giống như thế này không phải lo đầu ra vì lúa đẹp, nhân công lại nhẹ hơn gần như phân nửa. Tôi mong mô hình này được bà con trong ấp tham gia nhiều hơn để dễ hơn trong hợp tác về thủy lợi và nhân công”.

Song khi được hỏi về kế hoạch nhân rộng mô hình, ông Võ Văn Quới, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, chần chừ: “Vận động nhân rộng thì không khó nhưng chúng tôi lo đầu ra chưa ổn”.

Động viên nông dân tiếp tục phát huy mô hình hiệu quả, ông Huỳnh Hữu Kế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: “Trước mắt, các thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong việc bơm tưới, gieo cấy, thu hoạch lúa đồng loạt; chọn nuôi đa dạng cá xen ruộng lúa; trồng thêm các loại rau màu phù hợp... nhằm tránh ứ đọng cá và tăng thêm thu nhập. MTTQ cần có kế hoạch phối hợp với UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu cần thiết để mô hình hoạt động phát triển hơn”.

Bài, ảnh: TUYẾT AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>