Nuôi tôm càng xanh: Hy vọng từ mô hình mới

08/01/2016 | 08:42 GMT+7

Với kết luận “Người dân huyện Long Mỹ và Vị Thủy hoàn toàn có khả năng đầu tư khai thác và phát triển mô hình canh tác lúa - tôm luân canh,...”, PGS.TS Dương Nhật Long, Trường Đại học Cần Thơ, chủ nhiệm dự án “Phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh trong ao đất và luân canh trong ruộng lúa ở tỉnh Hậu Giang”, đã giúp người dân ở 2 huyện này có thêm lựa chọn mới để cải thiện thu nhập trong quá trình canh tác lúa.

Cán bộ và người dân tham quan mô hình nuôi tôm của ông Trần Văn Cậy, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy.

Điều này làm bất ngờ đối với người dân địa phương, bởi trước đây, người dân chỉ dám mơ ước 1 vụ lúa, 1 vụ cá. Thế mà từ những thử nghiệm ban đầu, đến nay các hộ tham gia dự án ở 2 huyện thấy phấn khởi vì nuôi tôm càng xanh tăng thu nhập gấp đôi vụ lúa.

Dù mô hình nuôi tôm còn khá mới mẻ, nhưng bà con nông dân vẫn mạnh dạn tham gia. Ông Trần Văn Cậy, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Nghe nói nuôi tôm thấy cũng thích, vì loại thủy sản này có giá cao nhưng đòi hỏi kỹ thuật nuôi rất nghiêm ngặt. Tôi cũng quyết định tham gia để học kinh nghiệm để bước đầu khởi nghiệp làm giàu cho gia đình mình”.

Để nuôi tôm đạt tiêu chuẩn, các hộ nuôi phải cải tạo ruộng thật kỹ, có diện tích ít nhất là 3.000m2. Ruộng nuôi phải được tát cạn, xử lý vôi để diệt tạp, mầm bệnh ẩn chứa trên nền đất cũ, xung quanh phải đăng lưới để hạn chế địch hại vào ruộng như cua, ếch,… Ngoài ra, nông dân phải chuẩn bị ao ương, thả con giống vào đúng lịch, đúng mật độ và cung cấp thức ăn theo quy định tùy theo giai đoạn sinh trưởng của tôm.

PGS.TS Dương Nhật Long cho biết: “Đã thử nghiệm 2 mô hình này ở các tỉnh khác như Đồng Tháp, An Giang, cho thấy hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở điều kiện khí hậu, đất đai của Hậu Giang chúng tôi cũng rất thận trọng, kỹ lưỡng hướng dẫn người dân tham gia dự án từng kỹ thuật đơn giản nhất. Nhờ đó mà mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trong ruộng lúa cũng cho kết quả như dự tính ban đầu”.

Nhờ thực hiện tốt những kỹ thuật, quy định khắt khe trên mà 3 hộ tham gia nuôi tôm càng xanh luân canh trong ruộng lúa đều đạt kết quả, lợi nhuận cao. Sau 6 tháng nuôi, tôm ở các ruộng có khối lượng từ 48,6-108gr/con. Năng suất nuôi tôm đạt từ 806-1.100kg/ha, trong đó ruộng có tỷ lệ sống đạt cao nhất là 34%, năng suất đạt 1.100kg/ha và thấp nhất là đạt 32,4%, tỷ lệ kích cỡ tôm đạt loại 1 (>50gr/con), trong 3 ruộng thực nghiệm đều đạt khá tốt từ 47,3-65,6%.

Ông Trần Văn Sửa, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, nhìn nhận: “Tham gia dự án, tôi được các nhà khoa học hướng dẫn từ lý thuyết tới thực hành. Trong đó, kỹ nhất là khâu thiết kế và xây dựng hay cải tạo ruộng nuôi đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ sự giúp đỡ sâu sát tận tình của chủ nhiệm dự án mà qua 3 vụ nuôi tôm, tôi thấy lợi nhuận rất cao. Thấy được hiệu quả, gia đình tôi đã và đang thực hiện vụ tôm mới, dù dự án đã kết thúc”.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ Nguyễn Văn Thống, trước nay ở địa phương cũng có nhiều mô hình luân canh trên ruộng lúa như lúa - cá (cá lóc, cá trê, cá rô) nhưng so với mô hình nuôi tôm càng xanh, dù mới nhưng cho kết quả nuôi thử nghiệm đạt cao. Một số người dân địa phương cũng đã nhìn thấy hiệu quả của mô hình anh Sửa và tập tành học cách nuôi để từng bước cải thiện thu nhập.

Chủ nhiệm dự án Dương Nhật Long cũng đưa ra nhiều khuyến cáo để người nông dân áp dụng đạt hiệu quả cao nhất. Theo nhận định của chủ nhiệm dự án, so với những địa phương khác như An Giang, Đồng Tháp, thì do nông dân Hậu Giang có trình độ và kỹ thuật còn khiêm tốn, giá bán tôm thấp hơn vì mất nhiều tiền ở khâu đầu tư, vận chuyển xa,… đã ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận mô hình. Tuy nhiên, với hiệu quả lợi nhuận đạt từ gần 16 triệu đồng đến hơn 61 triệu đồng/ha/vụ của 3 mô hình, thì người dân có thể phát triển mô hình. Bên cạnh đó, người nuôi phải đáp ứng được quy trình, nắm chắc kỹ thuật nuôi, đảm bảo mật độ thả giống chỉ từ 6-10 con/m2; phải có ao lắng dự trữ nước cho ruộng tôm, ao ương giống và tránh chọn những ruộng nuôi bị tù đọng, nhiều bùn đáy và xác bã hữu cơ. Cùng với đó, người dân phải vận hành mô hình nuôi sớm hơn (tháng 3 hay tháng 4, thay vì tháng 5 và tháng 6).

Thực nghiệm đã cho thấy, 2 huyện Long Mỹ và Vị Thủy của tỉnh có thể “bổ sung” danh sách con tôm càng xanh vào đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao, bởi giá tôm thương phẩm luôn đứng ở mức cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển nghề nuôi thủy sản, góp phần đa dạng loài và mô hình nuôi trong tỉnh, tạo thêm nguồn thủy sản cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>