Đáp ứng nhân lực cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ số Hậu Giang

19/02/2024 | 07:36 GMT+7

Với quy mô lớn, cùng nhiều chính sách ưu đãi... Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang được nhiều doanh nghiệp đánh giá là điểm đầu tư đầy tiềm năng ở khu vực ĐBSCL, nhưng vấn đề mấu chốt về nguồn nhân lực cũng được đề cập nhiều.

Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang hứa hẹn là điểm đầu tư hấp dẫn dành cho doanh nghiệp công nghệ số. Rất nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu thời gian qua.

Doanh nghiệp đánh giá: Là điểm đầu tư đầy tiềm năng nhưng phải có nhân lực chất lượng

NashTech là một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm trong tư vấn, cung ứng giải pháp công nghệ có quy mô toàn cầu cho nhiều khách hàng là những tập đoàn lớn như Ford, Google, Nestle, Honda, Prudential… Tìm hiểu môi trường đầu tư tại Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Chí, Giám đốc phụ trách NashTech, chia sẻ: “Ở Việt Nam công ty hiện có khoảng 2.000 nhân viên, chúng tôi rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường hoạt động. Cách đây vài năm, chúng tôi từng đi khảo sát tại một số tỉnh ở vùng ĐBSCL để mở văn phòng. Làm về xuất khẩu phần mềm, công ty rất chú trọng đến nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư phần mềm làm về lập trình. Vì vậy, công ty rất muốn biết địa phương có thể cung cấp cho đơn vị như thế nào?”.

Còn theo đại diện AGEST Việt Nam, môi trường đầu tư vào Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang rất thuận lợi cho doanh nghiệp, bởi tại đây đã có định hướng cụ thể, cùng sự sẵn sàng về hạ tầng công nghệ và cam kết của chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, ông Vương Bảo Long, Giám đốc vận hành AGEST Việt Nam, cho rằng: “Đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin, khi đầu tư chỉ quan tâm đến 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, sự sẵn sàng về hạ tầng công nghệ thông tin; thứ hai, về chính sách ưu đãi đầu tư và thứ ba là nguồn nhân lực. Trong đó, nguồn nhân lực doanh nghiệp muốn biết nếu đầu tư thì tỉnh có thể đảm bảo nhân sự ở mức độ nào. Chúng tôi rất quan tâm đến trình độ của nguồn nhân lực, bởi đây là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm tạo ra cho doanh nghiệp”.

Hiểu được khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, ông Trần Trọng Đại, Giám đốc KMS, chia sẻ: “Đối với một doanh nghiệp muốn hoạt động được bắt buộc phải có nhân sự, chúng tôi từng khá vất vả khi tuyển dụng nhân sự đối với văn phòng mới đặt tại Đà Nẵng. Nhìn Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang hôm nay, từ kinh nghiệm trong tuyển dụng, chúng tôi đề xuất một mô hình có thể thực hiện để tuyển dụng nhân sự là đào tạo và làm việc online. Cụ thể, công ty có thể mở văn phòng đặt tại khu này nhưng sẽ tuyển nhân viên ở các tỉnh khác, đội ngũ nhân sự này có thể ngồi tại nhà để làm việc cho đơn vị bằng hình thức online”.

Tỉnh luôn quan tâm, tạo niềm tin lớn với nhà đầu tư

Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang với diện tích 28,5ha, đặt tại đường 19 Tháng 8, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, được xây dựng với mục tiêu hình thành trung tâm về công nghệ thông tin. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin. Khu được triển khai gồm 2 giai đoạn: giai đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và giai đoạn xây dựng các phân khu chức năng.

Trong quá trình mời gọi nhà đầu tư về lĩnh vực công nghệ thông tin, tỉnh luôn cân nhắc các yếu tố về nhân lực, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, quỹ đất phù hợp cho phát triển lĩnh vực, hạ tầng phục vụ sinh hoạt của người lao động, đội ngũ chuyên gia.

Chia sẻ về vấn đề nguồn nhân lực liệu có đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Điều trăn trở nhất của tỉnh cũng như vùng ĐBSCL hiện nay là còn thiếu rất nhiều nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ sư phần mềm. Để giải quyết vấn đề nhân lực cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu công nghệ số, tỉnh có mời các trường đại học lớn đến bàn về giải pháp thu hút, bàn câu chuyện về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực. Hậu Giang đã ký kết các biên bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số với các trường đại học. Cùng với đó, trên cổng thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng thường đăng tải thông tin tuyển dụng... bước đầu sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu các doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng đang tham mưu tỉnh có chính sách thu hút sinh viên vào học ngành công nghệ thông tin; tận dụng mạng lưới tuyển dụng lao động ở các địa phương; hướng nghiệp trong phân luồng học sinh sau THCS để các em có định hướng học các ngành liên quan đến công nghệ thông tin từ sớm…”, ông Bình chia sẻ thêm

Trên địa bàn tỉnh có 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 2 trường đại học lớn có khoa công nghệ thông tin; 2 trường cao đẳng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang có quy mô tuyển sinh khoảng 1.000 chỉ tiêu/năm cũng có khoa công nghệ thông tin. Mặc dù mạng lưới tuyển sinh trên địa bàn tỉnh tuy nhỏ, nhưng hiện địa phương đã từng bước hướng học sinh học các ngành liên quan đến công nghệ thông tin.

Theo ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ: “Hậu Giang được xem là vùng trũng của công nghệ số, nhưng chúng tôi kỳ vọng từ Khu công nghệ số, mọi người sẽ có cái nhìn khác về tỉnh. Hậu Giang rất mong được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, để giải tỏa băn khoăn của nhà đầu tư, tỉnh đang tập trung chuẩn bị nguồn lực rất lớn để thực hiện chuyển đổi số”.

Nhấn mạnh về lợi thế của Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch ISC, chia sẻ những lý do vì sao doanh nghiệp công nghệ nên đầu tư vào Hậu Giang: “Hậu Giang là một trong những tỉnh ở vùng ĐBSCL giáp ranh nhiều tỉnh, thành, nhân lực trẻ, dồi dào, hệ thống cao tốc khi xây dựng xong được kỳ vọng sẽ kết nối với nhiều đô thị lớn và từ Thành phố Hồ Chí Minh về đây sẽ không còn xa. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng chính sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang, sẽ là niềm tin lớn cho nhà đầu tư”.

Những chính sách ưu đãi hấp dẫn

 

Khu công nghệ số được xây dựng với mục tiêu hình thành trung tâm về công nghệ thông tin. Hiện đã có 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào khu.

Về chính sách ưu đãi chung (trên địa bàn thành phố Vị Thanh) lĩnh vực về thuế gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 2 năm, giảm 50% không quá 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới. Miễn tiền thuế đất, thuê mặt nước trong thời hạn 15 năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (có ngành công nghệ thông tin).

Chính sách riêng: Ưu đãi về dịch vụ viễn thông của nhà cung cấp VNPT và Viettel, miễn phí cước đấu nối hòa mạng dịch vụ internet; giảm 50% cước phí sử dụng dịch vụ internet trong 3 năm đầu tiên đối với các gói cước trong nước và quốc tế. Giảm từ 30% đến 50% phí triển khai các ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp…

Chính sách ưu đãi cho doanh nhân, doanh nghiệp (có quy mô nhỏ hơn 10 người) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục (EduTech) và công nghệ trong nông nghiệp (AgriTech), miễn phí từ 6-12 tháng thuê văn phòng và hệ thống phòng họp; hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý điều hành doanh nghiệp trong 12 tháng…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>