Điểm sáng xây nhà tình nghĩa

11/07/2019 | 08:55 GMT+7

Về Ngã Bảy, chúng tôi được nghe nhiều cái nhất: Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo ít nhất tỉnh; địa phương có xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh... và thị xã cũng là điểm sáng của tỉnh trong xây dựng nhà tình nghĩa theo Quyết định số 22/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Bà Hồng (giữa) bên căn nhà tình nghĩa được xây dựng chưa đầy năm.

Trách nhiệm và tình thương

Trên con đường nông thôn vào ấp Đông Bình, chị Nguyễn Thị Bé, công chức văn hóa xã hội phụ trách lao động - thương binh và xã hội UBND xã Tân Thành, dẫn chúng tôi đến những gia đình chính sách được xây nhà tình nghĩa. Trước khi đến mỗi gia đình, chị kể rành rọt về hoàn cảnh, đặc điểm của từng gia đình, chị lưu gần như tất cả các số điện thoại của các gia đình chính sách trên địa bàn. Gặp chị, những gia đình chính sách tay bắt mặt mừng, gọi tên í ới… Bao nhiêu đó, đã chứng tỏ được sự thân tình, gần gũi, quan tâm hết lòng với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng của cán bộ cơ sở như chị Bé.

Sự năng nổ, nhiệt tình, chu đáo với tinh thần trách nhiệm cao của chị Bé đã góp phần chung trong xây dựng nhà tình nghĩa trên địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã Tân Thành có 140 căn nhà tình nghĩa được xây dựng và sửa chữa. Trong đó, xây dựng mới là 75 căn và sửa chữa là 65 căn. Chị Nguyễn Thị Bé nói: “Đó là trách nhiệm của một công chức phụ trách công tác này tại xã và với tôi đó cũng là sự tri ân. Theo hướng dẫn, chỉ đạo từ thị xã và Đảng ủy, UBND xã, tôi cố gắng thực hiện theo nhiệm vụ của mình. Mong muốn lớn nhất là để những gia đình chính sách có cuộc sống ổn định, trong những căn nhà ấm cúng”.

Bên trong căn nhà được xây dựng chưa đầy năm, bà Huỳnh Thị Phấn bộc bạch: “Có được căn nhà tình nghĩa này tôi không còn đi làm mướn ở Sài Gòn như trước nữa. Tuổi không còn trẻ, công việc kiếm cũng khó, sau hơn 20 năm đi rong ruổi làm thuê, có được căn nhà ở như thế này thiệt mừng hết biết”. Kế bên nhà bà Phấn, là nhà tình nghĩa được bàn giao trước đó một năm của bà Huỳnh Thị Phân, chị ruột bà Phấn. Bà Phân kể: “Hai chị em khó khăn, em tôi lại không có đất đai gì, phải ở trọ làm thuê, làm mướn, tôi thấy vậy nên cho em một nền nhà, để về đây ở cho có chị có em. Trước đây, nhà tôi cây lá, hư đâu sửa đó, chưa nghĩ tới chuyện cất nhà. Sau đó, cháu Bé đưa đoàn công tác xuống khảo sát, không lâu sau cất được nhà, hai chị em kế bên nhau đều có nhà tình nghĩa, thiệt cảm ơn Nhà nước”.

Chị em bà Phấn là con liệt sĩ, cha bà hy sinh khi hai chị em mới 5, 6 tuổi. Nỗi buồn, nỗi khổ mất cha quá sớm với chị em bà là thiệt thòi khó bù đắp, nhưng nay được sự quan tâm của Nhà nước, của thị xã và địa phương, gia đình hai bà luôn thấy ấm lòng…

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Bảy Phạm Văn Nhỏ chia sẻ, ông đánh giá rất cao sự nỗ lực của nhưng công chức phụ trách lao động - thương binh và xã hội ở cơ sở. Những công chức này là cánh tay nối dài để đưa chính sách đủ, đúng và kịp thời đến với người có công với cách mạng trên địa bàn. Họ không chỉ làm vì trách nhiệm, mà còn cả tình thương.

Cố gắng vì việc chung

Đến thời điểm này, những gia đình chính sách, người có công với cách mạng có bức xúc nhất về nhà ở trên địa bàn thị xã Ngã Bảy cơ bản đã được giải quyết. Đó là sự cố gắng lớn của những cán bộ phụ trách trực tiếp lĩnh vực này ở thị xã Ngã Bảy và 6 xã, phường trên địa bàn.

Cũng tại ấp Đông Bình, trong căn nhà còn mới tinh tươm, bà Nguyễn Thị Hồng, khi nhắc đến căn nhà tình nghĩa, xúc động bày tỏ: “Lúc trước, ở nhà lá. Khi trẻ, sau khi lấy chồng sinh con, ráng lo cho chồng cho con, nuôi con ăn học thành tài. Bốn người con của tôi đều có gia đình và ra riêng, ở xa hết, trong đó có ba đứa tốt nghiệp đại học. Cha tôi hy sinh khi tôi còn nhỏ lắm. Chế độ này kia mẹ tôi có hưởng đầy đủ, được cất nhà tình nghĩa khang trang. Giờ tới mình cũng được cất, thiệt mang ơn. Mình nghĩ cha nhiều con, với lại mẹ được hưởng vậy đã là nhiều, nhưng ba chị em tôi đều có nhà tình nghĩa, đó là sự quan tâm lớn quá rồi”.

Tâm sự của bà Hồng, chị em bà Phấn… là tâm sự chung của các gia đình chính sách được xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa trên địa bàn thị xã Ngã Bảy. Theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, toàn thị xã Ngã Bảy đã xây dựng được 351 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở. Theo ông Dương Hoàng Tự, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Bảy, số này ban đầu 328 căn, nhưng do sau khi khảo sát, có sự chuyển đổi giữa xây dựng mới và sửa chữa, nên được thêm 23 căn. “Từ chỉ đạo của Thường trực Thị ủy, UBND thị xã, với trách nhiệm tham mưu chính về nhà ở cho gia đình chính sách theo Quyết định số 22, chúng tôi luôn cố gắng làm hết mình, để những người có công trên địa bàn thị xã có được nhà ở đàng hoàng, xứng đáng, xem đó như sự tri ân, đền ơn thiết thực với các gia đình. Cộng đồng chung trách nhiệm phải kể đến sự hợp sức của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những công chức phụ trách lao động - thương binh và xã hội ở các xã, phường trên địa bàn. Đến cuối năm 2018, việc xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ dành cho người có công với cách mạng còn khó khăn về nhà ở đã được thực hiện hoàn thành trên địa bàn thị xã Ngã Bảy”, ông Tự chia sẻ.

Đa dạng hoạt động Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

- Toàn thị xã Ngã Bảy có 1.015 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 129 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hiện còn 6 mẹ còn sống. Số trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng là 493 trường hợp. Dịp kỷ niệm ngày 27-7 năm nay, các địa phương trên địa bàn sẽ đồng loạt tổ chức họp mặt các gia đình vào ngày 25-7, tổ chức cấp phát quà theo chế độ từ thời điểm 20 đến 23-7; thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng đang điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã. Bên cạnh đó, còn có hoạt động Thắp nến tri ân, viếng Nghĩa trang liệt sĩ…

Các hoạt động được tổ chức đa dạng, nhằm thể hiện được tinh thần tri ân sâu sắc, “Uống nước nhớ nguồn”…

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>