Châm cứu từ thiện - Nghề của lòng nhân ái

23/03/2017 | 08:16 GMT+7

Mỗi năm, các tổ thuốc nam, phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm ngàn lượt người đến châm cứu.

Y sĩ Tuấn, Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện thị trấn Một Ngàn, châm cứu cho bệnh nhân.

Mới sáng sớm, tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, có khá đông người bệnh đến châm cứu. Bà Cao Thị Bé, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Tôi bị bệnh rối loạn tuần hoàn não đã hơn 1 năm nay, do ảnh hưởng của bệnh tôi cứ hay chóng mặt, hai tai cứ bị ù ù. Từ khi đến đây châm cứu và hốt thuốc uống, bệnh tình thuyên giảm rất nhiều”. Hoàn cảnh bà Bé lắm khó khăn, không có điều kiện để điều trị ở bệnh viện, vì vậy bà chỉ hốt thuốc nam và châm cứu qua ngày. Theo lời bà Bé, lúc đầu nhìn những cây kim sắc nhọn, bà và nhiều bệnh nhân khác không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, thế nhưng nhờ sự tư vấn tận tình và bàn tay vàng của các lương y, y sĩ đã giúp người bệnh yên tâm. Ngoài ra, hiệu quả mà phương pháp này mang lại rất cao.

Nhờ phương pháp này, nhiều người đã hồi phục sức khỏe. Cũng nhờ được châm cứu mà bà Nguyễn Thị Hòa, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ có thể tự mình đi lại được mà không cần người khác giúp đỡ. Cách đây hơn 4 năm, bà Hòa bị bệnh tai biến, liệt nửa người. Do đó, không thể đi đứng, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần có người giúp đỡ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, nên bà không thể điều trị ở bệnh viện, mà chỉ có thể châm cứu hàng ngày, hy vọng bệnh tình có thể thuyên giảm. Chỉ sau thời gian ngắn châm cứu trị liệu, bà Hòa đã có thể tự mình bước đi, mà không cần sự giúp đỡ của người khác. “Nhờ sự tận tình của các y sĩ thuộc các tổ thuốc nam từ thiện và phương pháp châm cứu mà tôi đã có thể đi lại được. Khi mới bị bệnh, cứ ngỡ phải nằm một chỗ, trở thành gánh nặng cho gia đình, tôi buồn lắm, còn giờ đây, dù không thể làm được nhiều việc như trước kia, nhưng có thể tự chăm sóc bản thân mình, thật mừng không sao kể xiết”, bà Hòa trải lòng.

Không chỉ bà Bé, bà Hòa mà nhiều cô bác, anh chị đến với các phòng thuốc nam, tổ thuốc nam đều được chăm sóc tận tâm, nhiệt tình như là người thân, chỉ cần bệnh nhân kiên trì thì bệnh sẽ thuyên giảm. Như trường hợp của ông Nguyễn Trường Thạnh, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, bị bệnh tai biến. Sau gần 5 tháng châm cứu đều đặn, hiện bệnh tình của ông đã giảm và ông Thạnh đã đi lại bình thường, nói chuyện được. Chị Trần Thị Hạnh, con dâu ông Thạnh, chia sẻ: “Khi mới bệnh, cha chồng tôi không thể nói chuyện và tự mình đi đứng được. Bây giờ sức khỏe cha chồng tôi tốt hơn rồi. Châm cứu không tốn tiền lại có hiệu quả cao nữa. Các lương y, y sĩ ai nấy đều rất nhiệt tình, với tình hình sức khỏe cha chồng tôi hiện nay, gia đình tôi mừng lắm”.

Chính sự nhiệt tình và cái tâm thiện nguyện, nhiều lương y, y sĩ đã tình nguyện đóng góp công sức của mình, để chữa bệnh, cứu giúp những bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Nói về công việc thầm lặng của mình, y sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Tôi chỉ mong muốn góp chút công sức của mình giúp bệnh nhân bớt đau đớn trong cảnh bệnh tật. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều người chung tay giúp đỡ bệnh nhân nghèo lúc họ gặp ốm đau”. Theo y sĩ Tuấn phân tích, phần lớn người bệnh tìm đến đây đều là những trường hợp khó khăn túng quẫn, họ sống trong thiếu thốn, lao động nặng nhọc nên thường mắc “bệnh nhà giàu”, chỉ có điều kiện tài chính mới chữa được. Hiện tại, với phương pháp châm cứu, y sĩ chủ yếu điều trị các bệnh như tai biến mạch máu não, thoái hóa cột sống, viêm khớp, thần kinh tọa, viêm dạ dày, rối loạn tuần hoàn não… Đặc biệt, với những biến chứng do bệnh tai biến, nhiều năm qua y sĩ dùng phương pháp châm cứu, tỷ lệ hồi phục của bệnh nhân đều rất khả quan.

Còn với y sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phòng thuốc nam phước thiện thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, với tấm lòng nhân ái, mong muốn giúp đỡ người bệnh vượt qua bệnh tật, anh đã hết lòng gắn bó với nghề. Câu chuyện gắn bó với nghề của y sĩ Sơn cũng đặc biệt. Y sĩ Sơn chia sẻ: “Ngày xưa tôi từng bị tai nạn xe, không đi lại được, nhờ châm cứu mà tôi có thể đi lại được như hiện nay. Sau khi khỏi bệnh tôi đã học nghề, để có thể cứu chữa người bệnh. Hiện nay, phòng thuốc nam có 2 y sĩ, chúng tôi chia nhau ra làm việc. Người này chữa bệnh thì người kia hốt thuốc, cứ thế chúng tôi luân phiên lẫn nhau”. Dù số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, bốc thuốc khá đông, nhưng các y sĩ luôn vui vẻ, niềm nở, tận tình với người bệnh. “Sức khỏe của người bệnh chính là động lực, để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề”, y sĩ Sơn nói thêm.

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ đầu năm đến nay, các tổ, trạm thuốc nam đã xem mạch cho trên 39.000 lượt người. Qua đó, châm cứu, xung điện và điều trị bằng phương pháp khác cho trên 21.600 lượt người. Hàng ngàn lượt người là hàng ngàn hoàn cảnh khác nhau. Với phương pháp châm cứu cùng tấm lòng thiện nguyện các lương y, y sĩ, đã mang lại sức khỏe, cùng cuộc sống tốt hơn cho nhiều người, nhất là những người nghèo khó!

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>