Nhiều ý kiến đóng góp dự án Luật Thi đua, khen thưởng

29/10/2021 | 08:07 GMT+7

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 28-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Dự điểm cầu Hậu Giang, có các đại biểu Quốc hội tỉnh.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 98 điều, giảm 5 điều so với luật hiện hành; giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như luật hiện hành; sửa đổi, điều chỉnh 94 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng luật.

Quang cảnh tại điểm cầu Hậu Giang.

Bổ sung và mở rộng các đối tượng được khen thưởng

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Các đại biểu cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật. Đồng thời, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, trong một số hình thức khen thưởng đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Đánh giá cao việc dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bổ sung và mở rộng các đối tượng được khen thưởng như người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, các doanh nhân trí thức, nhà khoa học, kể cả các cá nhân, tập thể ngoài người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Cần Thơ, cho rằng, việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước.

Qua đây, ông Nghĩa đề xuất, luật sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là việc khen thưởng đột xuất cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu là do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng nhằm đảm bảo ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất và kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được đề nghị.

Về xử lý vi phạm đối với công tác thi đua, khen thưởng tại Điều 93 đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cần mang tính răng đe hơn nhằm đảm bảo ý nghĩa thực sự cho việc phong tặng cũng như tránh dư luận xấu trong cộng đồng xã hội đối với cơ quan, người có thẩm quyền đã đề nghị. Bởi việc khen tặng theo quy định tại khoản này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cá nhân người được công nhận và đối với cộng đồng xã hội. Do đó, chỉ cần đối tượng được công nhận vi phạm pháp luật, bị tòa án tuyên có tội theo bản án và có hiệu lực pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hủy bỏ hoặc thu hồi hình thức khen thưởng; không cần quy định phạm tội theo mức độ như trong dự thảo luật.

Cần rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng

Các đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo Luật lần này chưa có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, còn phân định cấp trên với cấp dưới nên hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nhường thành tích, kết quả cho nhau để đảm bảo có thời gian liên tục.

Liên quan đến nội dung về nguyên tắc khen thưởng trong dự thảo luật, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, so với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng như trước đây. Nhưng qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu này cho rằng, còn một số nội dung quy định về tiêu chuẩn khen thưởng khi phân tích kỹ vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm.

 Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng cộng dồn thành tích nuôi khen thưởng, đảm bảo công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là động lực cho sự phát triển.

Trao đổi bên lề tại điểm cầu Hậu Giang, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, nhất trí về cơ bản dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Bà cũng đồng tình với ý kiến đóng góp của các đại biểu tại nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên, bà cho rằng, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về gắn công tác thi đua của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương với cơ quan nào và cũng chưa quy định rõ cơ quan có chức năng, thẩm quyền đề nghị khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương.

Vì vậy, bà Lam đề xuất có quy định cụ thể trong luật về việc xem xét, đề nghị khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương cho phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, cần quy định rõ cơ quan có trách nhiệm xem xét khen thưởng thường xuyên hoặc đột xuất; khen thưởng cống hiến cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương.

Cũng theo bà Lam, về các loại hình khen thưởng Quy định tại Khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật sửa đổi là chưa phù hợp ở chỗ: “Khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc”, trong khi quy các tiêu chuẩn khen thưởng là “từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”. Việc quy định thành tích xuất sắc để được khen thưởng là khó có thể định lượng được nên đề nghị điều chỉnh thành: “Khen thưởng theo công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chính phủ tiếp tục đánh giá từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp để có định hướng sửa đổi cho toàn diện. Đồng thời, yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

GIA NGUYỄN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>