Để khuyến công đi vào cuộc sống

22/07/2020 | 20:36 GMT+7

Chính sách khuyến công ngày càng được chú trọng đã khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp nông thôn trong tỉnh.

Các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ chính sách khuyến công để cải tiến máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Hiệu quả từ hoạt động khuyến công

Trong những năm qua, hoạt động khuyến công đã đưa công nghiệp nông thôn tỉnh khởi sắc và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Các cơ sở công nghiệp nông thôn tuy có quy mô nhỏ nhưng dần mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm để theo kịp sự tiến bộ của công nghệ và nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong các nội dung chính sách hỗ trợ về khuyến công, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia chủ yếu về ứng dụng máy móc và thiết bị tiên tiến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Theo đó, mỗi cơ sở được hỗ trợ tối đa 50% chi phí (không quá 300 triệu đồng đối với kinh phí khuyến công quốc gia và không quá 150 triệu đồng kinh phí khuyến công địa phương).

Như hộ kinh doanh quán Tân Hậu Giang, ở thành phố Vị Thanh tham gia Đề án khuyến công địa phương vào năm 2019 đã được hỗ trợ 90 triệu đồng để trang bị máy sấy thủy sản từ năng lượng mặt trời. Đây là bước đầu tư cần thiết để cơ sở giảm phụ thuộc vào thời tiết và giảm nhân công tham gia sản xuất mà năng suất và chất lượng đều được nâng lên.

Còn DNTN Thương mại - Xây dựng Phi Long ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, nhận hỗ trợ nguồn vốn từ đề án khuyến công quốc gia trị giá 300 triệu đồng. Cùng với vốn đối ứng, doanh nghiệp đã đầu tư hẳn 2 máy cán tôn và chấn góc với tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Chủ doanh nghiệp là bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận định: “Có máy móc mới, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với các thị trường ngoài tỉnh, khách hàng địa phương cũng tăng lên so với trước đây và rút ngắn được thời gian sản xuất”.

Sự đồng hành của công tác khuyến công không chỉ dừng lại ở đó, định kỳ 2 năm/lần, Sở Công thương tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm kịp thời phát hiện các sản phẩm chất lượng, có giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển để tiếp tục vun bồi, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn khi tham gia các đợt hội chợ, triển lãm trong nước còn được hỗ trợ 80% chi phí thuê gian hàng.

Đưa chính sách khuyến công vào cuộc sống

Do đa số các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh còn ở quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư hoặc bố trí nguồn vốn chưa linh hoạt nên gặp khó khi chuẩn bị vốn đối ứng, số lượng cơ sở đăng ký tham gia chưa nhiều… Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (trung tâm) quyết tâm cao trong công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương nhằm đưa chính sách khuyến công đến tận cơ sở. Đến nay, trung tâm đã mở 5 lớp triển khai chính sách ở các huyện, thị xã, thành phố, phát tài liệu và trên 500 tờ rơi có liên quan đến hoạt động khuyến công. Tuyên truyền nội dung chính sách khuyến công trên các đài truyền thanh địa phương. Nhờ vậy, số lượng các cơ sở, doanh nghiệp tìm hiểu và có nhu cầu tham gia để nhận thụ hưởng từ chính sách khuyến công tăng hơn hẳn so với các năm trước.

Ông Phan Như Thạch, chủ cơ sở sản xuất bún tại khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, đã tham gia lớp phổ biến nội dung khuyến công tại địa phương. Đây cũng là lúc cơ sở ông cần cải tiến dây chuyền để mang tính tự động hóa cao, tạo ra quy trình sản xuất sản phẩm sạch, khép kín, vì vậy ông Thạch phấn khởi tìm hiểu, hỏi kỹ thông tin và dự kiến đăng ký tham gia để đầu tư mua máy xử lý bột với kinh phí khoảng 500 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Hòa, thị xã Long Mỹ, lại quan tâm đầu tư máy sấy trái cây, rau, củ cho một dự án mới. Sau khi nắm được các nội dung cơ bản của chính sách khuyến công, ông dự định về tìm hiểu kỹ loại máy nào, chi phí ra sao cũng như nắm đầu mối thông tin của cán bộ khuyến công địa phương để liên hệ nếu có nhu cầu đăng ký tham gia.

Ông Huỳnh Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cho biết: Để chuẩn bị cho hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, trung tâm còn thực hiện khảo sát thực tế tại các cơ sở kỹ càng, hỗ trợ dự án có chọn lọc. Sau khi hỗ trợ, trung tâm phân công cán bộ phụ trách theo địa phương cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện.  

Tỉnh Hậu Giang xác định hoạt động khuyến công của tỉnh sẽ ưu tiên các chương trình, đề án phát triển công nghiệp cơ khí hóa phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, áp dụng sản xuất sạch hơn. Hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm của địa phương, sử dụng nhiều lao động, góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ và có thị trường xuất khẩu.

Đến nay, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt 3 Đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ 550 triệu đồng. Đó là ứng dụng máy nghiền trong sản xuất trà mãng cầu tại cơ sở sản xuất trà Phụng Phát, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ; máy rửa chanh trong sơ chế và bảo quản chanh không hạt tại Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành; giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh tại các kỳ hội chợ do Cục Công thương địa phương phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước trong năm 2020.

 

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>