Nỗi lo gia súc thả rông

21/02/2024 | 07:19 GMT+7

Chăn nuôi gia súc để giữ nhà và phát triển kinh tế là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, nếu việc nuôi nhốt không đảm bảo an toàn, thả rông vật nuôi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Vật nuôi ra đường là nỗi lo lớn của người dân khi tham gia giao thông.

Hiểm họa chực chờ

Cách đây không lâu, người dân đi trên đường Trần Hưng Đạo, khu vực Công viên Xà No, đoạn từ cầu 2-9 đến cua Nữ Dân, phường I, thành phố Vị Thanh, gặp một phen hú vía vì một con trâu xổng chuồng. Con trâu phóng ra đường, hoảng loạn, chạy dọc theo công viên khiến nhiều phương tiện phải dừng lại, giao thông hỗn loạn. Rất may, sự cố sau đó đã được giải quyết ổn thỏa, con trâu được người chủ và lực lượng chức năng vây bắt thành công, giao thông trở lại bình thường.

Chứng kiến toàn bộ vụ việc, một người dân ngụ phường I, thành phố Vị Thanh, hốt hoảng: “Tôi nghe người ta la quá, mới dừng xe lại coi. Con trâu cả trăm ký, sừng nhọn hoắc, chạy ngoài bờ kè. Người ta dừng xe lại hết, đâu có ai dám chạy xe lại. Lỡ nó rượt hay nó húc một cái là nguy hiểm vô cùng”.

Nếu trâu xổng chuồng là trường hợp hy hữu thì chó, mèo chạy tự do ngoài đường là câu chuyện không hiếm gặp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Chó lớn, chó nhỏ, mèo con, mèo mẹ rủ nhau vô tư dạo trên đường quê. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu những vật nuôi này được tiêm ngừa, rọ mõm và dây xích cẩn thận, đằng này, mọi thứ được một số gia đình để tự nhiên.

Anh Huỳnh Kỳ Phương, ở thành phố Vị Thanh kể, trên đường đi làm về, đang chạy xe băng băng trên đường thì đột nhiên xe anh bị hai con chó từ nhà dân chạy ra chắn ngang đùa giỡn. Anh thì thắng kịp còn người bạn đi chung thì tông ngã nhào ra đường bị trầy tay chân. May mắn là đường vắng, nếu không sẽ nguy hiểm hơn.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về số vụ tai nạn do gia súc gây ra, tuy nhiên thực tế thời gian qua, ở ĐBSCL và nhiều địa phương trong cả nước đã có những vụ va chạm đáng tiếc xảy ra giữa gia súc và phương tiện tham gia giao thông. Đáng chú ý, có trường hợp, khi xảy ra tai nạn thì có người đã không dám đứng ra nhận là chủ của vật nuôi vì sợ trách nhiệm.

Anh Nguyễn Ngọc Hạt, Đội trưởng Đội SOS Hậu Giang, từng tham gia hỗ trợ nhiều trường hợp tai nạn mà nguyên nhân bắt nguồn từ vật nuôi thả rông, chia sẻ: Khi vật nuôi đâm ra đường ẩu thì người tham gia giao thông họ sẽ lạng, lách. Bên đội đã hỗ trợ nhiều trường hợp mà vật nuôi khi ra đường làm người chạy xe bị tai nạn như chó, mèo, thậm chí trâu, bò húc vô xe.

Cần giải pháp mạnh tay

Theo quy định pháp luật, hành vi thả rông vật nuôi ngoài đường và tại những nơi công cộng gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác… là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường thiệt hại.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, thông tin: Trong thời gian qua, việc người dân chăn nuôi gia súc, nhất là người nuôi thiếu quan tâm để gia súc đi rông trên các tuyến đường giao thông, đặc biệt trên tuyến quốc lộ xảy ra nhiều trường hợp hết sức nguy hiểm. Quốc lộ 61C, Quản lộ Phụng Hiệp… Hai tuyến quốc lộ này thường xuyên có gia súc chăn thả thiếu quan tâm, giám sát, chăn dắt. Do vậy, trong thời gian tới, cũng đề nghị những người nuôi gia súc khi chăn thả phải có người trông giữ, đảm bảo gia súc không phá hoại hoa màu của người dân, tránh tình trạng gia súc đi rông trên các tuyến đường giao thông gây ra mất an toàn giao thông, dẫn đến nguy hiểm tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.

Đã tới lúc cần mạnh tay và quyết liệt xử phạt những người nuôi gia súc thả rông, không có biện pháp bảo vệ an toàn. Đừng để thi thoảng lại phải chứng kiến những sự việc đau lòng, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>