Nhiều giải pháp nhưng tai nạn giao thông vẫn tăng

22/08/2017 | 07:32 GMT+7

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông, làm chết 54 người, bị thương 36 người, so cùng kỳ tăng 34 vụ, 18 người chết và 19 người bị thương. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát để đảm bảo trật tự ATGT.

Triển khai nhiều biện pháp

Ngay từ đầu năm 2017, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm góp phần kiềm chế tai nạn giao thông; Ban ATGT tỉnh còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang tổ chức Hội thi “Tìm hiểu ATGT cấp tiểu học” năm học 2016-2017 và “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông” năm 2017.

Cơ quan chức năng còn tổ chức sửa chữa, thay mới nội dung 35 pano tuyên truyền theo chủ đề Năm ATGT 2017; cấp phát cho các lực lượng chức năng và người dân 1.000 tờ rơi, 300 áp phích tuyên truyền về ATGT; 6.000 quyển “Cẩm nang lái xe an toàn”, “Cẩm nang phòng chống tai nạn giao thông do uống rượu, bia” và Nghị định 46 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; in và treo 510 băng rôn tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự ATGT trên các tuyến đường chính.

UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên cũng đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc vận động 539 khu dân cư duy trì thực hiện tốt việc ký cam kết “Khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT”; nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả như: “Quần chúng nhân dân tự quản về trật tự ATGT”, “Bảo đảm trật tự ATGT trong đồng bào công giáo và dân tộc Khmer”; phối hợp với Công an tỉnh xây dựng mô hình “Cổng rào an ninh gắn với giữ gìn ATGT”...

Riêng Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục giúp cho cán bộ, hội viên hiểu rõ các quy định của pháp luật về trật tự ATGT trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Xây dựng và phát hành 3.140 bản tin “Nông dân Hậu Giang” có lồng ghép nội dung về ATGT; tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động 95 câu lạc bộ “Nông dân với văn hóa giao thông”; thành lập mới trên 10 tổ giặm vá đường, cứu hộ, cứu nạn.

“Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, chúng tôi treo trên 50 băng rôn tuyên truyền về trật tự ATGT; sửa chữa, giặm vá nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng; tăng cường tuần tra kiểm soát... Mới đây, chúng tôi còn tổ chức giải tỏa các hộ kinh doanh, mua bán lấn chiếm hành lang lộ giới ven tuyến Quốc lộ 61. Thế nhưng, tình trạng tai nạn giao thông vẫn xảy ra, đặc biệt trong những tháng gần đây gia tăng đáng kể. Hiện đã bước vào mùa mưa và năm học mới nên trật tự ATGT sẽ diễn biến phức tạp hơn”, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, thông tin.

Sao chưa thể kiềm chế ?

Theo các cơ quan chuyên môn, sở dĩ tai nạn giao thông hiện tăng cả 3 mặt so cùng kỳ nhưng chưa có dấu hiệu giảm là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thể “lay chuyển” được ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông, trong khi đó lực lượng công an và giao thông vận tải không đủ quân số để tuần tra, kiểm soát liên tục, đảm bảo khép kín địa bàn...

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ: “Nhận thức pháp luật về trật tự ATGT của đại bộ phận người dân được nâng lên nhưng ý thức tự giác chấp hành khi tham gia giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn kém, nhất là vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những người từ các địa phương khác gây tai nạn giao thông trên địa bàn. Trong đó, phổ biến nhất là các hành vi không đội nón bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; điều khiển xe khi chưa đủ tuổi; sử dụng rượu, bia trước khi lái xe; chạy quá tốc độ quy định”.

Chưa kể, địa bàn tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua nên lưu lượng phương tiện và người tham gia lưu thông luôn ở mức cao. Mặt khác, trong quá trình khai thác, các tuyến quốc lộ đã xuất hiện một số bất cập tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61. Hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng theo tiêu chí nông thôn mới, mặt đường rộng 3,5m nên xe gắn máy luôn chạy với tốc độ cao là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Mặt khác, hầu hết lộ nông thôn trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng bằng bê tông xi măng nên mỗi khi mùa mưa đến rất dễ dẫn đến tai nạn. Cụ thể như trường hợp hai xe gắn máy tránh nhau buộc phải đi vào hai bên mép đường rong rêu bám dày đặc trên bề mặt lộ rồi té ngã. Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông này gặp không ít khó khăn do thiếu lực lượng, phương tiện nên tai nạn giao thông ở địa bàn nông thôn gia tăng.

Để kiềm chế tai nạn giao thông từ nay đến cuối năm, ông Thành cho rằng: “Chính quyền địa phương phải có biện pháp quản lý, đưa ra kiểm điểm trước dân những đối tượng cá biệt. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thành viên Ban ATGT đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng hình thức trực quan, trực tiếp thông qua những sự việc cụ thể, có chiều sâu, tác động mạnh đến ý thức tự giác chấp hành, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên ở địa bàn nông thôn”.

Còn đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản tuyến, địa bàn nhằm xác định các điểm phức tạp về tai nạn giao thông để có kế hoạch phòng ngừa. Chỉ đạo lực lượng xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề như điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường; sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định…”.

Ngoài việc vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì hơn hết, mỗi người tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ để không chỉ bảo vê tính mạng cho mình, mà còn những người xung quanh, góp phần đảm bảo trật tự ATGT chung trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>