Y học cổ truyền ở các cơ sở y tế hút khách

20/02/2023 | 09:50 GMT+7

Bên cạnh sự phát triển của tây y, việc điều trị bệnh bằng y học cổ truyền luôn có một vị trí nhất định trong lòng bệnh nhân bởi những hiệu quả điều trị mang lại.

Châm cứu cho bệnh nhân tại giường ở Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp.

Niềm tin từ bệnh nhân

Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, thời gian gần đây lượt khám, chữa bệnh mỗi ngày trên dưới 100 bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú khiến công việc của khoa trở nên quá tải. Tuy nhiên các y, bác sĩ vẫn nỗ lực hết mình để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân với mong muốn đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Với sự tận tâm, trách nhiệm, đã đem lại hiệu quả điều trị được nhiều bệnh nhân công nhận và hài lòng.

Ông Trương Linh Chính, ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, cùng vợ là bà Lê Thị Hiền đều đến Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng của Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp để điều trị bệnh, do những lần trước đến đây thấy hiệu quả. Ông Chính chia sẻ: “Tôi bị thoái hóa đốt sống cổ, lưng nhức và tê hai tay, còn vợ tôi thì bị đái tháo đường đã 20 năm, bị đau dạ dày nên lần này cả hai cùng nhau đến đây để điều trị bệnh. Sau khoảng một tuần điều trị, tôi thấy tình trạng bệnh đã giảm 60 - 70%, bác sĩ điều trị rất tích cực với nhiều phương pháp vừa uống thuốc, chích thuốc, kéo cổ, châm cứu, hướng dẫn tập thể dục, chế độ ăn uống để bệnh tình thuyên giảm”.

Không chỉ thu hút bệnh nhân trong tỉnh, nằm điều trị tại khoa còn có những bệnh nhân ngoài tỉnh tìm đến bởi biết được hiệu quả điều trị. Ông Nguyễn Văn Ẩn, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, bị tai biến mạch máu não hơn 1 năm rồi, một tay, chân bên trái cử động yếu, tê, cử động rất nặng nề, khó khăn. Nhưng sau mấy ngày điều trị tại Khoa đã cảm nhận được sự chuyển biến bệnh tình. Ông Ẩn bộc bạch: “Cánh tay trái đã đưa lên xuống nhẹ nhàng, linh hoạt hơn nhiều, chỉ còn bàn tay chưa cầm nắm được, tôi sẽ tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, mong cải thiện được, vận động tốt hơn”.

Tương tự, vợ chồng ông Phan Thạch Có và bà Hà Thị Hoa, quê quán ở tỉnh nhưng đang sinh sống ở Đắk Nông, mà khi bị bệnh chịu khó đi đường xa đến khoa điều trị bởi công nhận hiệu quả qua những lần điều trị trước. Bà Hoa cho biết: “Năm ngoái, tôi bị thoái hóa đốt sống lưng, đơ cả xương sống, không nằm trên giường được, đau nhức tưởng không sống nổi. Con tôi nhà ở Hậu Giang thấy vậy mới kêu tôi xuống khoa này điều trị thử. Kết quả sau điều trị giờ tôi đã sinh hoạt bình thường, hầu như hết đau nhức. Nên giờ chồng tôi bị bệnh bị đau từ cổ xuống bả vai, tê một bên tay, chân trái, vợ chồng chèo chống xuống đây chữa bệnh”.

Không phụ công hai vợ chồng này, sau 2 ngày điều trị, ông Thạch Có đã thấy tình trạng bệnh giảm rõ. Ông Thạch Có chia sẻ: “Cái chân mấy hôm trước đi khoảng 50m là tê cứng, tôi không đi được nữa, giờ đi đứng khỏe ru. Cổ, vai đã bớt đau, khỏe hơn rất nhiều”.

Với kết quả điều trị được bệnh nhân công nhận đã khẳng định vị trí của việc điều trị bệnh bằng y học cổ truyền song song với điều trị tây y.

Mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị

Tại Khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lượng bệnh nằm điều trị ở Khoa thời gian gần đây cũng quá tải. Chỉ tiêu 62 giường nhưng nằm điều trị có khi 70 bệnh nhân. Các bác sĩ đã phối hợp với các khoa khác phục vụ điều trị bệnh nhân tại giường ở các khoa khác, giảm tải ở khoa. Bác sĩ Nguyễn Văn Đậm, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Y, bác sĩ thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc điều trị và tập bệnh, bệnh nặng tập tại giường, bệnh đi được đến tập tại Khoa. Ngày càng nâng cao kỹ thuật chăm sóc bệnh giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Phát huy các biện pháp điều trị không dùng thuốc như: Điện châm, kéo nắn cột sống, đèn hồng ngoại, tập với hệ thống ròng rọc… Liên hệ chặt chẽ với các khoa phòng để việc triển khai tập vật lý trị liệu được phát triển tốt hơn, số lượng bệnh đông hơn. Tuy nhiên, điều kiện phục vụ bệnh nhân còn thiếu một số trang thiết bị, nhất là lĩnh vực vật lý trị liệu. Nhân viên y tế có nhu cầu đào tạo chuyên môn về hô hấp điều trị và cũng chưa có bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để khám, điều trị đang là rào cản để Khoa nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị”.

Bên cạnh, tình trạng thiếu thuốc phiến (thuốc sắc) điều trị kéo dài khoảng một năm nay ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị. Bác sĩ Phan Dũng Sĩ, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Không có thuốc sắc việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Dù chúng tôi đã cố gắng thay thế bằng các loại thuốc thành phẩm khác nhưng hiệu quả sẽ không bằng. Chúng tôi mong muốn sớm có được thuốc để phát huy tối đa hiệu quả điều trị bệnh”.

Không riêng Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp mà tình trạng thiếu thuốc sắc là thực trạng chung của cả tỉnh, theo các khoa y dược cổ truyền nguyên nhân là do khó khăn trong đấu thầu thuốc.

Khoa y học cổ truyền ở các bệnh viện đã phát huy hiệu quả điều trị và có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các khoa khác trong cơ sở y tế để nâng cao chất lượng điều trị và tăng sự hài lòng của người bệnh, đây là giải pháp các bệnh viện sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Bác sĩ Võ Hoàng Sự, Trưởng khoa Nội Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, nhấn mạnh: “Hai khoa đã phối hợp rất chặt chẽ, bệnh nhân nằm điều trị tại khoa được nhân viên y tế châm cứu, khám về y học cổ truyền tại giường, bệnh nhân không phải chuyển từ khoa này sang khoa khác để điều trị. Nhờ vậy, đã đáp ứng được hiệu quả điều trị và tăng sự hài lòng của bệnh nhân”. Trong các khoa ở Bệnh viện thì Khoa Nội tim mạch - Lão học là khoa có sự phối hợp mật thiết nhất với phương pháp điều trị y dược cổ truyền, bởi bệnh nhân của khoa này là những bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh, cơ xương khớp, những mặt bệnh đáp ứng điều trị tốt với phương pháp y học cổ truyền.

Năm 2022, các cơ sở y tế của tỉnh đã tiếp nhận trên 175.200 lượt khám, chữa bệnh bằng y học dân tộc, chiếm tỷ lệ gần 13% trong tổng số lượt khám bệnh chung. Số lượt điều trị nội trú y học cổ truyền trên 4.100 trường hợp, chiếm tỷ lệ 4,42% tổng lượt điều trị nội trú chung.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>