Vượt qua khủng hoảng tâm thần mùa dịch

24/11/2021 | 08:55 GMT+7

Dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và cả sức khỏe tinh thần của người dân. Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe tinh thần, phòng ngừa stress mùa Covid-19? Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Nhặn (ảnh), Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh, về vấn đề này.

Xin bác sĩ cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh đến nay, tình hình bệnh nhân đến khám và điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ra sao ?

- Tính từ đầu đợt dịch Covid-19 (ngày 8-7-2021) đến 22-11-2021, Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh tiếp nhận khám và điều trị nội, ngoại trú cho 1.631 bệnh nhân. Trong đó, khám, điều trị ngoại trú là 1.472 bệnh nhân, giảm 36,19% so với cùng kỳ. Còn lượng bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 159 bệnh nhân, giảm 47,89% so với cùng kỳ.

Số lượng bệnh nhân giảm do tình hình dịch bệnh phức tạp, giãn cách xã hội trước đây, người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong các vùng cách ly y tế; người bệnh đã được cấp thuốc điều trị 3 tháng. Bên cạnh đó, có tâm lý lo ngại dịch bệnh nên nhiều người còn ngại đi bệnh viện thăm, khám và điều trị.

Những vấn đề về sức khỏe tâm thần mà bệnh nhân thường gặp phải trong thời điểm này là gì, thưa bác sĩ ?

- Người dân chủ yếu mắc các chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn sau sang chấn. Thời điểm dịch bệnh phức tạp có thể gây ra những tác động tiêu cực về mặt tâm lý nhất là với những người có sẵn tiền sử rối loạn tâm thần. Thời gian gần đây, chúng tôi tiếp nhận một số bệnh nhân đã điều trị khỏi lại tái phát hoặc bệnh nặng hơn sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cũng nói thêm, tại một số bệnh viện chuyên khoa tâm thần còn ghi nhận trường hợp người dân đã hồi phục sau khi điều trị khỏi Covid-19 có thể gặp một số vấn đề về trí nhớ, thường gặp nhất là suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.

Nguyên nhân nào khiến nhiều người dễ mắc bệnh về tâm thần thời điểm dịch bệnh này, thưa bác sĩ ?

- Những nghiên cứu tâm lý gần đây chỉ ra rằng, bệnh lý về tâm thần chia làm 4 nhóm: loạn thần hay tâm thần phân liệt; lo âu, trầm cảm; tâm thần do nghiện chất gây nghiện, kích thích và suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Ngoài ra, còn một số loại bệnh liên quan hoạt động sinh lý (mất ăn, mất ngủ hoặc ăn không kiểm soát). Còn ở trẻ em thì có tự kỷ hay chậm phát triển tâm thần.

Các chuyên gia tâm thần và các bác sĩ tâm thần trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng vẫn đang có những nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân gây nên các bệnh lý về tâm thần. Có những bệnh lý hiện nay vẫn chưa có nguyên nhân rõ ràng. Cũng có vài nguyên nhân được chỉ ra và phổ biến ở nhiều người bệnh, đó là khoảng 70-80% do mâu thuẫn gia đình, chuyện tình cảm, thiên tai, dịch bệnh gây ra sang chấn tâm lý. Những tác động bên ngoài (tai nạn giao thông, bệnh về não...) làm tổn thương hệ thần kinh.

Riêng dịch Covid-19 có tác động đến tâm lý con người khiến dễ mắc các rối loạn về tâm thần. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định đại dịch này gây ra bệnh tâm thần nhưng nó chính là một trong những yếu tố xúc tác thúc đẩy quá trình bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn.

Vậy người dân có biểu hiện tâm lý như thế nào về tâm thần thì nên đến gặp bác sĩ ?

- Khi thấy bản thân hoặc người thân có biểu hiện lo lắng về dịch bệnh, sức khỏe bản thân, gia đình một cách quá mức cần thiết, đi kèm với đó là các biểu hiện như mệt mỏi, thiếu năng lượng, mất ngủ thường xuyên từ 2 tuần trở lên, sử dụng thuốc ngủ mà không thấy hiệu quả. Đôi khi bị hoang tưởng, ảo giác, hành vi bất thường, ý tưởng, hành vi tiêu cực, tự hủy hoại thân thể thì nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, có những bệnh tâm thần lại khởi đầu bằng triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, huyết áp,... nếu khám thông thường mà không tìm ra nguyên nhân, không phát hiện bệnh lý thì nên nghĩ đến thăm khám sức khỏe tâm thần. 

Một số ít trường hợp mắc bệnh tâm thần có thể tự khỏi nhưng hầu hết sẽ tiến triển thành mãn tính và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu căng thẳng lên đến đỉnh điểm có thể dẫn đến những hành động đáng tiếc, nhất là những người mắc trầm cảm.

Nhiều người bệnh không nhận thấy bản thân có vấn đề hoặc những người thân không muốn công nhận người nhà của mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần vì sợ sự kỳ thị xã hội khiến nhiều người bệnh tiến triển nặng. Dịch Covid-19 này càng khiến nhiều người e ngại do đến bệnh viện sợ tiếp xúc nhiều người sẽ bị lây bệnh. Đây là quan niệm sai lầm tước đi khả năng điều trị của bệnh nhân.

Bác sĩ có khuyến cáo gì để người dân giữ vững tinh thần trong mùa dịch ?

- Cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đang từng bước kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 nên người dân đừng quá lo lắng. Tin tưởng vào những biện pháp phòng dịch của Nhà nước, Chính phủ. Mọi người tự bảo vệ mình, tuân thủ nghiêm “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế, rèn luyện sức khỏe, có ý thức bảo vệ mình, cộng đồng xung quanh.

Bệnh nhân tâm thần cần được chăm sóc tốt hơn, phải tuân thủ việc điều trị. Người có tiền sử tâm thần cần dự trù thuốc từ 1 đến 3 tháng. Chế độ ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý.

Xin nhấn mạnh rằng: Ngoài sự chăm sóc y tế, rất cần những liều “vắc-xin tinh thần” đến từ niềm vui trong cuộc sống, sự quan tâm, chia sẻ từ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là lạc quan và thái độ tích cực của mỗi người để chung sống thích ứng, linh hoạt và an toàn với dịch Covid-19.

Xin cảm ơn bác sĩ !

NHẬT MINH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>