Tự ý dùng thuốc điều trị bệnh, coi chừng mang họa !

28/03/2023 | 19:38 GMT+7

Thời gian gần đây có những ca bệnh sốc thuốc, ngộ độc thuốc do tự ý dùng thuốc điều trị đã được ghi nhận tại các bệnh viện.

Tự ý dùng thuốc cho trẻ ngoài nguy cơ ngộ độc, sốc thuốc có thể để lại ảnh hưởng xấu lâu dài cho sức khoẻ của trẻ.

Mới đây, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, tiếp nhận trường hợp con của bà Nguyễn Thị S., ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, được 7 tháng tuổi nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc. Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, thông tin từ người nhà trước khi vào nhập viện bé có biểu hiện ho, khò khè, da nổi vài nốt đỏ, nghe lời của người hàng xóm chỉ gia đình đã tự mua một loại thuốc về cho bé uống với liều 3 muỗng cà phê để điều trị. Sau đó bé thở mệt, nôn ói nhiều, chướng bụng. Gia đình đã đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp rồi được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi để cấp cứu. Lúc nhập viện bé bị sốt, suy hô hấp, viêm phổi, theo dõi ngộ độc thuốc, nhiễm trùng huyết. Phải nằm viện điều trị gần 2 tuần mới được xuất viện về nhà.

Qua câu chuyện về trường hợp ngộ độc thuốc của con bà S., các bác sĩ chỉ ra nguyên nhân do bà tự ý mua thuốc cho con uống và cho uống không đúng liều, trong khi trẻ còn quá nhỏ. Tình trạng trẻ ngộ độc thuốc cũng hay gặp ở bệnh viện. Đa số các trường hợp ngộ độc thuốc trẻ bị suy hô hấp, hầu hết các ca vào viện đều phải thở máy, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Không dừng lại ở việc phải nằm viện điều trị dài ngày, đối diện với nguy cơ tử vong ở trẻ và gia đình phải một phen sợ hãi, tốn kém chi phí, mất thời gian, ngày công lao động ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà ngộ độc thuốc còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Bác sĩ Tăng Thị Kim Trúc, Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Trẻ sau khi bị ngộ độc thuốc sẽ đễ lại nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe ở các bộ phận như gan, thận, hô hấp, tiêu hóa,… ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này”. Với những ảnh hưởng khó lường của ngộ độc thuốc, cảnh báo các gia đình không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tình trạng ngộ độc, sốc thuốc do tự ý dùng thuốc cũng xảy ra ở người lớn. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Vũ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Thỉnh thoảng khoa cũng gặp các bệnh nhân sốc thuốc, ngộ độc thuốc nhập viện điều trị ở khoa. Có trường hợp tự ý uống thuốc theo truyền tai của người quen, có trường hợp sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ vẫn có nguy cơ sốc thuốc. Tuy nhiên, khi gặp tình trạng ngộ độc thuốc, sốc thuốc, bác sĩ cần biết bệnh nhân đã uống những loại thuốc gì để cấp cứu hiệu quả hơn. Đối với những trường hợp sốc thuốc do uống thuốc có kê đơn bác sĩ sẽ cấp cứu hiệu quả do biết được bệnh nhân sốc với loại thuốc nào và bệnh nhân sẽ biết được loại thuốc mình dị ứng để chủ động phòng tránh tình trạng sốc thuốc tương tự về sau”.

Thực tế người dân cần loại bỏ những thói quen không đúng như truyền tai nhau những loại thuốc để uống khi mắc bệnh với các triệu chứng tương tự. Hay sử dụng toa thuốc cũ đã khám bệnh trước đó, toa thuốc của người khác với triệu chứng tương tự, tự ý mua thuốc để uống,… Các bác sĩ cảnh báo như điển hình bị ho cũng có nhiều nguyên nhân gây ho như viêm phổi, viêm họng, hay do bệnh lý khác. Thuốc là con dao hai lưỡi, có một mặt điều trị và một mặt là tác dụng phụ kèm theo, cần uống đúng theo chỉ định của bác sĩ, một số trường hợp uống thuốc không đúng sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận như gan, thận…

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Vũ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Người dân không nên tự ý sử dụng thuốc. Khi bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, kê toa thuốc điều trị để giảm thấp nhất nguy cơ sốc thuốc, ngộ độc thuốc và điều trị bệnh hiệu quả, giảm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế, trong hầu hết các tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc điều khuyến cáo sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>