Tín hiệu đáng mừng trong quản lý, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS

24/11/2022 | 06:10 GMT+7

“Năm 2022, dù có nhiều khó khăn do dịch Covid-19, thiếu hóa chất, thiếu thuốc,... nhưng ngành y tế tỉnh đã nỗ lực, vượt khó thực hiện đạt kết quả kéo giảm số trường hợp nhiễm mới, đảm bảo hiệu quả điều trị, trong 11 tháng qua không ghi nhận trường hợp chuyển sang AIDS mới và không có tử vong do AIDS, đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Võ Chí Đại (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang về kết quả thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh thời gian qua.

Ngành y tế đã nỗ lực, vượt khó như thế nào để đạt được kết quả phấn khởi trên, thưa ông ?

- Dù có nhiều khó khăn nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS được duy trì và ổn định. Phòng khám ARV tại thành phố Ngã Bảy và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoạt động đều đặn hàng ngày, bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, thực hiện đúng phác đồ điều trị do Bộ Y tế quy định, tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị rất thấp, chỉ 0,57%. Số ca mới phát hiện giảm 53 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 11 tháng năm 2022 chưa ghi nhận trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, theo thống kê thì đối tượng nhiễm HIV mới được ghi nhận nhiều nhất là ở nhóm tuổi từ 18 đến 39 tuổi. Đường lây chủ yếu hiện là đường tình dục, đặc biệt đáng lo ngại và trăn trở nhất là quan hệ tình dục đồng giới nam với nam (MSM).

Chúng tôi nỗ lực đảm bảo điều trị, bảo vệ sức khỏe người bệnh dù có nhiều khó khăn do thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm. Quan tâm truyền thông đối với bệnh nhân đến nhận thuốc, việc truyền thông, tư vấn cá nhân là hết sức quan trọng trong công tác khám, điều trị. Đơn vị luôn theo dõi sát các nguồn thuốc từ Trung ương phân bổ, điều phối thuốc hàng ngày, hàng tuần cho bệnh nhân, nhất quyết không để cho bệnh nhân thiếu thuốc. Việc hóa chất xét nghiệm, chúng tôi tăng cường tư vấn cho bệnh nhân.

Những vấn đề còn trăn trở trong phòng, chống HIV/AIDS hiện nay là gì, thưa ông ?

- Công tác xét nghiệm tự nguyện, điều trị đang gặp khó khăn do hóa chất khẳng định HIV chưa đáp ứng được. Nguyên nhân do việc đấu thầu bị vướng nhiều thủ tục. Ngoài ra, việc xét nghiệm tải lượng vi-rút để đánh giá hiệu quả điều trị không hợp đồng được với các đơn vị tuyến trên. Đây là hai vấn đề khó trước mắt cần quan tâm khắc phục.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua hạn chế về kinh phí khi tỉnh không phải tỉnh trọng điểm phòng, chống HIV/AIDS, trong 8 năm qua không có nhận được sự tài trợ của một dự án nào triển khai tại tỉnh. Ngân sách Trung ương chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm 60%, trong khi kinh phí địa phương chưa đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chế độ ưu đãi nghề, chế độ đặc thù cán bộ y tế tuyến cơ sở chưa thỏa đáng. Các văn bản quy định các chế độ chi cho các hoạt động chưa được sửa đổi, bổ sung. Tỷ lệ thanh niên nông thôn nghiện ma túy, quan hệ tình dục đồng giới tiềm ẩn lây lan HIV rất nhanh trong cộng đồng trong thời gian tới là điều không tránh khỏi nếu không phòng, chống hiệu quả sẽ khó đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Công tác tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện được duy trì ở tất cả các cơ sở y tế của tỉnh. 

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 (từ ngày 10-11 đến 10-12) với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”, tỉnh dự kiến có những hoạt động nào, thưa ông ?

- Với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” dự kiến những hoạt động sẽ triển khai chúng tôi tập trung vào nhóm đối tượng thanh niên, người trẻ tuổi. Sẽ triển khai các cuộc hội thảo, giao ban, sinh hoạt các nội dung về thực trạng đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS. Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Hoạt động tư vấn và xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP). Lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị.

Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV. Truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm.

Tổ chức sản xuất và phổ biến các tin, bài, chương trình, chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, phim ngắn về phòng, chống HIV/AIDS… trên hệ thống báo đài, đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn. Sử dụng các trang thông tin điện tử của hệ thống ngành y tế và các cơ quan đơn vị như là một kênh thông tin chính thức cung cấp tin tức, kiến thức và tài liệu phục vụ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện,…

Với những giải pháp này sẽ tích cực nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng nói chung và nhóm tuổi thanh niên nói riêng trong phòng, chống HIV/AIDS bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích