Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm

03/01/2023 | 04:59 GMT+7

Năm 2022, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đều diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát tình hình, không để bùng phát dịch lớn, dịch chồng dịch, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, luôn theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa để điều trị hiệu quả.

Không để bùng phát dịch lớn

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh, đến tháng 12-2022, cả tỉnh ghi nhận 1.178 ca bệnh sốt xuất huyết và 801 ca bệnh tay - chân - miệng (TCM). Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thông tin: “Bệnh sốt xuất và bệnh TCM tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước, bệnh sốt xuất huyết tăng 16,9 lần, bệnh TCM tăng 76%. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã có sự chỉ đạo tập trung và quyết liệt với những kế hoạch hoạt động cụ thể, tình hình dịch bệnh trong tỉnh có tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dịch bệnh mới không xuất hiện, không có dịch lớn xảy ra. Không ghi nhận tử vong do bệnh sốt xuất huyết, TCM”.

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng ở hầu hết các huyện, thị, thành phố, trong đó một số địa bàn có số mắc cao là huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp đã rất quyết liệt để kiểm soát các ổ dịch nhỏ, không để bùng phát dịch lớn. Bà Trương Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Trên địa bàn huyện năm 2022 ghi nhận 201 ca bệnh sốt xuất huyết với 18 ổ dịch nhỏ và 121 ca bệnh TCM, trong khi năm 2021 chỉ ghi nhận 14 ca bệnh sốt xuất huyết và 61 ca bệnh TCM. Dịch tăng rất nhiều. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để kiểm soát, khi ghi nhận các ca bệnh, ổ dịch nhỏ, chúng tôi đã tăng cường khâu giám sát và truyền thông nâng cao ý thức người dân. Tất cả các ổ dịch nhỏ đều được kiểm soát không xảy ra dịch lớn”.

Thị trấn Ngã Sáu là địa bàn có số mắc sốt xuất huyết và TCM cao ở huyện Châu Thành, nhưng tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát. Ông Diệp Bá Phú, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Trạm Y tế thị trấn Ngã Sáu, thông tin: “Thị trấn ghi nhận 24 ca sốt xuất huyết, tăng 22 ca so với cùng kỳ năm 2021, với 4 ổ dịch nhỏ. Đã có sự phối hợp và hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng với trạm y tế xử lý môi trường và truyền thông cộng đồng tại các ổ dịch sốt xuất huyết nên đã kiểm soát được, không để bùng phát thành dịch lớn. Bệnh TCM ghi nhận 34 ca, tăng 29 ca, tuy số mắc tăng cao nhưng đa số ca tản phát, chúng tôi đã thực hiện giám sát, truyền thông cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan”.

Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số mắc, bùng phát

Song song với kiểm soát dịch ở cộng đồng, mạng lưới các cơ sở điều trị bệnh của tỉnh đã luôn quan tâm nâng cao hiệu quả điều trị để giảm chuyển biến nặng và tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ Vương Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Năm 2022, khoa tiếp nhận trên 300 ca bệnh nhập viện điều trị bệnh TCM, tăng gấp đôi so với năm 2021. Bệnh sốt xuất huyết có 229 ca nhập viện điều trị, tăng 222 ca so với năm 2021. Một số trường hợp nhập viện bệnh chuyển biến nặng, chúng tôi đã tích cực điều trị, theo dõi sát và tăng cường hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên, cử nhân viên y tế tham gia các lớp tập huấn chuyên môn điều trị 2 bệnh này. Nhờ luôn quan tâm nâng cao hiệu quả điều trị đã giảm thấp nhất biến chứng hay tử vong đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, TCM”.

Không riêng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, ở tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế khác của tỉnh luôn tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn trong điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh TCM, sốt xuất huyết và không ghi nhận trường hợp tử vong do hai bệnh này trên địa bàn tỉnh. Đây là sự nỗ lực rất lớn đối với hệ điều trị của ngành y tế tỉnh.

Theo nhận định của ngành y tế tỉnh, tình hình dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số mắc, bùng phát nếu không tiếp tục nỗ lực kiểm soát tốt. Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhận định: “Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, nhất là bệnh sốt xuất huyết có số ca mắc tăng cao tại các tỉnh, thành phía Nam. Bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện nhiều nước trên thế giới và đã có 1 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh nên tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Năm 2023, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh chủ động, hạn chế tối đa số ca mắc mới. Chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe liên quan đến môi trường, lối sống và hành vi của người dân”.

Ngành y tế tỉnh sẽ chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân, triển khai các biện pháp giám sát, như tăng cường chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên; thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi-rút viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế bảo vệ tốt nhất sức khỏe tính mạng người dân trước nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm luôn tiềm ẩn, khó lường, mỗi gia đình, người dân hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình mình nhằm chung tay kéo giảm dịch bệnh truyền nhiễm trong năm 2023.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>