Tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

10/06/2022 | 07:45 GMT+7

(HG) - Sở Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương, cơ sở y tế tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống bệnh, tạm thời tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhất là người đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, Trung Phi, Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan. Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, có thể mắc bệnh. Trong đó, trường hợp nghi ngờ là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau kể từ ngày 15-3-2022: Đau đầu, sốt (> 38,50C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, đệm. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày (thường từ 6-13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>