Suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi

17/11/2022 | 06:26 GMT+7

Tình trạng suy giảm trí nhớ hiện xảy ra khá phổ biến ở người trẻ tuổi, nó không còn là căn bệnh chỉ xảy ra ở người già. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Bệnh có điều trị khỏi hay không? Nên làm gì để cải thiện trí nhớ?... Những câu hỏi này sẽ được bác sĩ Nguyễn Hồng Nhặn (ảnh), Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh, thông tin qua cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang.

Thưa bác sĩ, hiện nay tình trạng suy giảm trí nhớ xảy ra khá phổ biến ở người trẻ tuổi, bác sĩ nhận định sao về thực trạng này ?

- Suy giảm trí nhớ hay còn gọi là suy giảm tiến triển chức năng nhận thức. Gần đây, nhiều nghiên cứu thống kê rằng 85% người trẻ dưới 50 tuổi ít nhất gặp phải một vấn đề về trí nhớ kém, trong đó có đến 20-30% ở người dưới 30 tuổi, phần còn lại tập trung ở lứa tuổi trung niên. Các số liệu trên cho thấy đây là một thực trạng đáng báo động bởi có đến 50% suy giảm trí nhớ ở người trẻ sẽ diễn tiến thành hội chứng sa sút trí tuệ ở người già, đặc biệt trong số đó là bệnh Alzheimer.

Người bị suy giảm trí nhớ nên đến các cơ sở y tế khám, điều trị, tránh diễn tiến thành hội chứng sa sút trí tuệ ở người già. (Ảnh minh họa)

Yếu tố, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi, thưa bác sĩ ?

- Có rất nhiều yếu tố, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi. Có thể do rối loạn chuyển hóa từ các thức ăn nhanh giàu năng lượng được người trẻ hay dùng làm béo phì, tiểu đường, làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào thần kinh. Hay sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Nguyên nhân do trầm cảm và stress, hiện nay, cuộc sống của người trẻ đa phần sẽ gặp rất nhiều áp lực từ công việc, học hành, môi trường ô nhiễm... dễ dẫn đến stress. Thần kinh căng thẳng làm khó tập trung do stress tác động trực tiếp lên trung tâm thần kinh nhận thức và làm giảm tốc độ phản ứng với sự vật, khiến con người khó tập trung suy nghĩ, dễ phân tán tư tưởng và giải quyết vấn đề chậm chạp. Lâu ngày làm não bộ suy giảm chức năng và trí nhớ sa sút dần. Do rối loạn giấc ngủ, tình trạng thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc làm luồng thông tin về vỏ não trước trán ngưng trệ và làm mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mau quên. Nhu cầu giấc ngủ của mỗi người là 7-8 tiếng một ngày. Công việc quá tải, khi cơ thể cùng lúc phải làm quá nhiều việc thì bộ não sẽ làm việc quá tải và đó chính là một trong những nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, dinh dưỡng cũng là phần không thể thiếu của một bộ não khỏe mạnh. Các vấn đề như thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin nhóm B có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ.

Tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi có thể điều trị được không, liệu trình điều trị như thế nào ?

- Khi gặp phải tình trạng suy giảm trí nhớ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn, điều trị. Khả năng phục hồi trí nhớ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và được điều trị trước khi có sự tổn thương không thể hồi phục xảy ra. Khi tình trạng suy giảm trí nhớ chưa diễn ra nghiêm trọng cần có biện pháp điều trị từ sớm, ngăn ngừa diễn tiến nặng hơn. Liệu trình điều trị, thời gian điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và sự thay đổi thói quen sống lành mạnh.

Tuy nhiên, người bị suy giảm trí nhớ không nên tự ý mua thuốc để uống vì sẽ không điều trị đúng nguyên nhân gây ra bệnh, có thể dẫn đến tổn thương tế bào não không hồi phục vì tự ý dùng thuốc, không đi khám và điều trị muộn.

Những lưu ý gì khi điều trị chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi ?

- Người bệnh cần thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn. Tập luyện thể dục, thể thao là một cách tốt, giúp thúc đẩy hệ tuần hoàn, hô hấp, tăng cường oxy và dinh dưỡng cho não bộ. Hạn chế các nguy cơ gây căng thẳng, stress - nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Chúng ta có thể thiền, Yoga giúp cải thiện tâm trạng. Các hoạt động thể chất nhẹ nhàng này giúp lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể, đặc biệt là máu nuôi não bộ và giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế những loại thực phẩm nhiều Carbohydrate và đường, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga. Thay vào đó là sử dụng nguồn thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng cho bộ não như là cá biển (giàu axit béo omega-3), thực phẩm giàu vitamin nhóm B (nấm, sữa, ngũ cốc..), thực phẩm giàu choline có trong các loại trứng gia cầm. Rèn luyện ghi nhớ bằng các trò chơi trí tuệ 15-30 phút mỗi ngày thay vì lãng phí quá nhiều thời gian trên mạng xã hội. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>