Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, khó lường

16/03/2023 | 18:38 GMT+7

Sau 6 năm tỉnh không ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH), vừa qua đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh này (ca SXH tử vong cuối cùng ghi nhận trước đây vào năm 2016). Ngành y tế nhận định dịch SXH diễn biến phức tạp, khó lường trong năm nay.

Phun hóa chất kiểm soát dịch tại khu vực có ca bệnh SXH tử vong ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.

Dịch gia tăng, khó lường

Theo ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Dịch SXH diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm nay. So với cùng kỳ 4 năm trước, tình hình dịch bệnh SXH năm nay đáng quan ngại khi số mắc tăng cao, đến ngày 9-3, đã ghi nhận 159 ca mắc, trong khi cùng kỳ năm 2019 có 62 ca, 2020 có 23 ca, năm 2021 18 ca, năm 2022 1 ca”.

Nếu như những năm trước, tỉnh có số mắc SXH thấp nhất trong 20 tỉnh, thành phố phía Nam thì hiện tại đang xếp đơn vị thấp thứ 6.

Đáng quan ngại, tại huyện Vị Thủy ghi nhận 7 ca bệnh đã có 1 ca tử vong ở xã Vị Bình. Qua trường hợp tử vong do SXH này cảnh báo bệnh SXH rất nguy hiểm không thể lơ là, chủ quan. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Năm 2023, SXH ở huyện ghi nhận số mắc thấp so với các huyện, thị xã, thành phố khác, tuy nhiên số mắc tăng so với cùng kỳ năm trước ở huyện và đã ghi nhận 1 ca tử vong. Đối với trường hợp tử vong một phần nguyên nhân do phát hiện bệnh muộn, gia đình đưa trẻ đi bệnh viện đã đến ngày thứ 5 trẻ phát bệnh, tình trạng bệnh nặng và tử vong. Để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng trước tình hình dịch SXH diễn biến khó lường như hiện nay, người dân cần hiểu là bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể chuyển nặng và tử vong. Lưu ý, SXH mắc ở mọi lứa tuổi, chứ không riêng trẻ em. Đối với các trường hợp bệnh sốt đến ngày thứ 3 mà tình trạng bệnh không giảm người dân nên đến các bệnh viện, trung tâm y tế để được làm xét nghiệm xác định có mắc SXH hay không để chủ động phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, giảm chuyển biến nặng và tử vong”.

Bệnh SXH ghi nhận số mắc cao nhất ở thành phố Vị Thanh những tháng đầu năm nay với 63 ca đến ngày 9-3, trong khi các huyện, thị xã, thành phố khác ghi nhận từ 1-28 ca. Ông Võ Phước Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, cho biết: “Dịch tập trung ở phường IV và phường I, đồng thời mắc rải rác ở một số xã, phường khác. Chúng tôi đã tích cực giám sát, kiểm soát tình hình dịch ở khu vực có các ca bệnh SXH, đến nay tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát”. 

Có nhiều nguyên nhân được ngành y tế lý giải khiến dịch SXH gia tăng. Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, nhận định: “Nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng là do tình hình di dân ở huyện vì có khu công nghiệp. Năm 2019 đỉnh điểm dịch ở huyện, năm nay đã đến chu kỳ 4, 5 năm dịch SXH quay trở lại. Thực tế, ý thức phòng bệnh của một số người dân còn thấp, người dân giữ vệ sinh môi trường chưa tốt. Chẳng hạn như ở ổ dịch tại xã Phú Tân, điều kiện môi trường không đảm bảo. Chúng tôi đã tổng vệ sinh môi trường ở khu vực này, đã kiểm soát được tình hình dịch”.

Cùng trao đổi về nguyên nhân dịch gia tăng, ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Một số địa phương công tác xử lý dịch khi có ca bệnh chưa triệt để. Ngành y tế tỉnh gặp khó khăn, xử lý dịch chưa kịp thời do thông tin phản hồi các ca bệnh rất chậm từ các bệnh viện ngoài tỉnh, công tác xử lý, giám sát dịch khi có ca bệnh SXH khó khăn. Cần phối hợp chặt chẽ hơn để kịp thời giám sát, xử lý kiểm soát ổ dịch”.

Tăng cường truyền thông, giám sát, kiểm soát ổ dịch

Làm sao để người dân có ý thức là vấn đề cần có giải pháp hiệu quả? Là vấn đề tồn tại nhiều năm nay chưa thay đổi được và là sự trăn trở của ngành y tế khi dịch gia tăng. Ông Lê Thành Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, trăn trở: “Vấn đề hiện nay là người dân có kiến thức nhưng chưa ý thức thực hành phòng bệnh. Cần có mô hình người dân thực hiện biện pháp phòng dịch, ví dụ, chọn ngày 10, 20, 30 hàng tháng người dân thực hành kiểm tra lăng quăng, diệt lăng quăng. Có thể qua kênh truyền thông báo, đài, mạng viễn thông tuyên truyền người dân thực hiện kiểm tra lăng quăng. Để chủ động phòng dịch SXH, ngành y tế huyện đang tích cực giám sát các ổ dịch mới ghi nhận và ổ dịch cũ để kiểm soát không để dịch bùng phát”.

Ngoài ra, ngành y tế buộc phải khắc phục hạn chế, khó khăn để giám sát dịch kịp thời. Ông Trương Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: “Các bệnh viện, trung tâm y tế ở tỉnh phải đăng nhập báo cáo các ca bệnh kịp thời để thực hiện giám sát, xử lý dịch kịp thời. Đối với các bệnh viện ngoài tỉnh, các bệnh viện tư nhân, chúng tôi sẽ tham mưu Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để có hướng phối hợp chặt chẽ hơn. Xử lý kịp thời khi có ca bệnh sẽ góp phần kiểm soát nguồn lây nhiễm ở các ổ dịch hiệu quả, sẽ góp phần kéo giảm số ca mắc. Xử lý môi trường triệt để, giám sát hiệu quả ổ dịch sẽ kiểm soát được các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch lớn”.

Nhiều biện pháp khác cũng sẽ được chỉ đạo thực hiện để phòng, chống SXH trong thời gian tới ở tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đảm bảo in tờ rơi để tuyên truyền hiệu quả cho người dân. In bản cam kết để người dân ký cam kết thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch. Phát động phong trào phòng, chống dịch trong trường học để huy động học sinh tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Phát huy phong trào nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng. Ngành sẽ liên hệ các nhà mạng viễn thông để nhắn tin tuyên truyền người dân thực hiện tổng vệ sinh môi trường thường xuyên, diệt lăng quăng. Phát động ở ấp, khu vực đi vận động thường xuyên. Ngành y tế các địa phương phải khắc phục hạn chế tình trạng xử lý ổ dịch chưa triệt để, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thực hiện xử lý, giám sát dịch, đảm bảo kịp thời, hiệu quả”.

Những biểu hiện của SXH cần chú ý...

 

Theo bác sĩ Vương Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt, chích. Các biểu hiện của bệnh SXH gồm: Sốt cao đột ngột 390C trở lên, kéo dài từ 2 đến 7 ngày và kèm theo một số triệu chứng như xuất huyết (chấm, mảng dưới da; chảy máu cam; chảy máu chân răng), nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, mệt li bì hoặc vật vã, đau bụng, tiêu phân đen.

Để phòng bệnh SXH, người dân cần diệt lăng quăng, diệt muỗi, loại bỏ môi trường đẻ trứng của muỗi, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi và phòng tránh muỗi đốt.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>