Rào cản trong chuyển đổi số của ngành y tế

20/12/2022 | 05:30 GMT+7

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã và đang góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí. Tuy nhiên, công tác này ở các cơ sở y tế thiếu sự đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Chuyển đổi số sẽ góp phần quan trọng đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại đến người dân.

Khó...

Ông Lê Thành Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi trong thực hiện việc chuyển đổi số là về con người, riêng vấn đề này đơn vị có thể chủ động khắc phục được. Còn vấn đề về trang thiết bị phục vụ nhu cầu chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh cũng rất nan giải. Đặc biệt là ở các trạm y tế xã, nhiều máy móc được đầu tư 6-7 năm chưa thay đổi, vì vậy khi đưa các phần mềm mới vào sử dụng không đồng bộ được”.

Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là tiền đề góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp chú trọng nâng cao trình độ tin học cho lực lượng cán bộ y tế trên địa bàn. Tại các cơ sở y tế trên địa bàn, những cán bộ chưa thành thạo về tin học được tạo điều kiện để tham gia học tập từ 3-6 tháng. Tính đến nay, trên địa bàn từ trạm y tế xã, thị trấn đến trung tâm y tế huyện tất cả các y, bác sĩ đều sử dụng được phần mềm khám chữa bệnh.

Cũng gặp khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số, ông Huỳnh Định Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Theo lộ trình, từ năm 2023 cơ sở y tế hạng II sẽ thực hiện bệnh án điện tử, nhưng đang gặp khó về việc mua sắm các trang thiết bị để thực hiện. Cũng từ năm sau, ngành y tế sẽ thực hiện đơn thuốc điện tử, để kê toa thuốc điện tử vấn đề đặt ra trước mắt là các bác sĩ phải có chữ ký số, với số lượng bác sĩ khá đông, phần kinh phí để thực hiện chữ ký số cho từng người cũng không hề nhỏ. Riêng về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi cũng liên kết ngân hàng để thực hiện, nhưng đến nay chưa tiếp nhận được trường hợp bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đến thanh toán bằng hình thức này. Bởi người dân vẫn quen việc sử dụng tiền mặt khi thanh toán, mua sắm… nên thanh toán bằng hình thức này rất khó”.

Theo lộ trình, từ năm 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng II sẽ thực hiện rất nhiều mục tiêu để chuyển đổi số, vấn đề kinh phí đang là khó khăn lớn nhất. Theo các đơn vị, nếu được đầu tư kinh phí các đơn vị sẽ giải quyết được về thiết bị và có thêm nội lực để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự.

Thực hiện chuyển đổi số, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, quyết liệt triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện tiếp nhận khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân; ứng dụng CNTT trong hoạt động… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Đối với khám chữa bệnh từ xa, chúng tôi rất khó thực hiện dù đã trang bị sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bởi từ sau thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu người dân khám chữa bệnh từ xa không có, với hình thức khám, chữa bệnh này, bác sĩ chỉ có thể hỏi và chuẩn đoán bệnh, chứ không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, nên rất khó cho đơn thuốc. Về chuẩn bị thực hiện bệnh án điện tử, hiện đơn vị đang cần một nguồn đầu tư rất lớn để mua sắm máy chủ, máy tính bảng…. cho các y, bác sĩ, rất mong được hỗ trợ từ trên”.

Cần định hướng bài bản

Trên địa bàn tỉnh hiện có 88 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 3 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 7 bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện, 2 bệnh viện tư nhân, 75 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực và hơn 800 quầy thuốc, nhà thuốc...

Về hạ tầng CNTT của các bệnh viện/trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh  đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, phần lớn các thiết bị CNTT đã được trang bị từ lâu, không đáp ứng được nhu cầu vận hành của các đơn vị. Trung bình 1 máy tính/4 cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Toàn ngành, chưa có đơn vị nào thành phòng CNTT, chỉ có tổ và phân công cán bộ phụ trách, với 28 cán bộ chuyên trách CNTT.

Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Cùng với các ngành, lĩnh vực ngành y tế đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt trong chuyển đổi số, dù quá trình thực hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, chúng tôi yêu cầu các cơ sở y tế phải chủ động kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ở các đơn vị, phải xem công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm hướng tới y tế thông minh. Trong quá trình đầu tư, phải tính toán đầu tư đồng bộ CNTT, chứ không riêng gì phục vụ chuyên môn. Cụ thể hóa kế hoạch thực hiện, chúng tôi mong muốn các cơ sở y tế đặc biệt quan tâm về hạ tầng và đầu ra kết nối dữ liệu. Hàng năm phải chủ động có kế hoạch tập huấn trình độ cán bộ phụ trách CNTT”.

Có thể thấy, ngành y tế tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số như: kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin trong ngành còn thấp, chủ yếu đầu tư cho công tác chuyên môn; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành còn hạn chế, vẫn còn một số cán bộ không sử dụng được máy vi tính; hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu, xuống cấp trang bị không kịp thời; một số thiết bị cận lâm sàng liên kết lắp đặt đa số là máy cũ không có chức năng hoặc đơn vị cung cấp không phối hợp với đơn vị cung phần mềm...

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749 về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định ngành y tế/chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu.

Tại tỉnh, đến nay 100% trạm y tế áp dụng phần mềm quản lý tiêm chủng mở rộng và phần mềm quản lý các bệnh không lây nhiễm, truyền nhiễm. Các cơ sở y tế đều triển khai phần mềm quản lý khám bệnh, cùng tất cả các khâu trong quá trình khám chữa bệnh. 86/86 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập triển khai tiếp nhận khám bệnh bằng thẻ căn cước công dân. 75/75 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, toàn tỉnh đã lập 590.598 hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt 80,80% dân số toàn tỉnh…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>