Quyết tâm nâng cao chất lượng dân số

25/12/2022 | 12:46 GMT+7

Hậu Giang đã có nhiều chính sách, hành động thiết thực hướng tới mục tiêu dân số và phát triển. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những khó khăn, thách thức, cần được tháo gỡ.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh: “Trong những năm qua, ngành dân số tỉnh Hậu Giang luôn phấn đấu thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Mạng lưới cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được hình thành đa dạng trong hệ thống y tế công lập và ngoài công lập. Từ đó, tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ như: tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; khám sức khỏe người cao tuổi;...”.

Năm 2022, ngành dân số tiếp tục tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến công tác nâng cao chất lượng dân số như: Chỉ thị số 17 ngày 7-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về công tác dân số và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030; Nghị quyết số 07 ngày 6-7-2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Kế hoạch số 196 ngày 15-11-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh. Sở Y tế cũng đã ban hành 4 kế hoạch thực hiện công tác dân số và phát triển đến năm 2030.

 Trong năm, đã tổ chức thành công Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình và Nâng cao chất lượng dân số năm 2022, thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu giao. Tổ chức thành công Hội thi Người cao tuổi “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” tỉnh Hậu Giang năm 2022. Triển khai khám sức khỏe định kỳ cho 98,4% người cao tuổi và duy trì sinh hoạt 75 Tổ tình nguyện “Vì sức khỏe Người cao tuổi” tại 75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới phương pháp truyền thông về dân số và phát triển, tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Cách đây vài tháng, chị Trần Thị Sa Ly, ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, sinh con đầu lòng. Trong quá trình mang thai, chị được các bác sĩ và ngành dân số địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho con. Việc sàng lọc được chị Ly đặc biệt chú ý, tiến hành đúng thời gian quy định. Chị Ly chia sẻ: “Khi thực hiện sàng lọc đầy đủ, tôi cảm thấy vui và an tâm hơn khi biết con mình khỏe mạnh, không mắc các bệnh bẩm sinh gì cả. Tôi thấy việc sàng lọc là rất cần thiết đối với sức khỏe của mỗi đứa trẻ hiện nay”.

Sau thời gian nỗ lực triển khai, công tác nâng cao chất lượng dân số đã thực sự lan tỏa, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của người dân đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, công tác này cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức...

Những nút thắt được quan tâm tháo gỡ

Mức sinh của tỉnh tiếp tục giảm sâu, số con trung bình của phụ nữ năm 2021 chỉ đạt 1,24 con/phụ nữ. Chất lượng dân số của tỉnh có tăng lên nhưng chưa cao, còn chậm so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của tỉnh. Hậu Giang đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn cả nước, với tỷ lệ người cao tuổi hiện tại là hơn 14% dân số tỉnh. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe, chăm lo tinh thần và giải quyết việc làm cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn tới.

Trong công tác nâng cao chất lượng dân số của tỉnh, huyện Phụng Hiệp là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển huyện, cho biết: “Năm 2022, đến thời điểm này, các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số của huyện như tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân, vẫn chưa đạt được cao. Điều này đã chỉ ra rằng, ý thức của người dân chưa hiểu ý nghĩa thông điệp, chưa nhận thức đúng thông điệp mới”. Đây cũng là một thách thức chung của ngành dân số tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh, cho biết: “Trong thời gian tới, ngành y tế định hướng tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, ban hành các văn bản về công tác nâng cao chất lượng dân số, triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục kiểm tra, giám sát và tập huấn cho cộng tác viên về việc chuyển hướng sang dân số và phát triển để họ tuyên truyền lại cho người dân. Tăng cường vận động người dân góp phần thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Từ đó, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, thu hút họ về địa phương ổn định cuộc sống, không di dân bất ngờ”.

Nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của ngành dân số, ngành y tế mà đó là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và tất cả người dân trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng dân số là chìa khóa quan trọng để đảm bảo sức khỏe, cải thiện nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Tính đến hết tháng 11 năm nay, các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số của tỉnh đều đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh chiếm 51,13%, đạt 102,26% chỉ tiêu năm; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chiếm 71,05%, đạt 101,50% chỉ tiêu năm. Qua sàng lọc, đã phát hiện 82 trường hợp trẻ nguy cơ cao và vận động được 68 trường hợp tiến hành sàng lọc, chẩn đoán lần 2. Khám sức khỏe tiền hôn nhân chiếm 53,72%, đạt 107,45% chỉ tiêu năm, tăng 5,95% so với cùng kỳ. Khám sức khỏe người cao tuổi chiếm 99,55%, đạt 109,39% chỉ tiêu năm, tăng 52,52% so với cùng kỳ.

 

Ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 216 về việc sinh đẻ có hướng dẫn, xuất phát từ thực trạng gia tăng dân số quá nhanh lúc bấy giờ, gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là văn bản đánh dấu sự ra đời của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. Ngày 19-5-1997, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 26-12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam. Ngày 26-12-2022 là kỷ niệm 61 năm Ngày Dân số Việt Nam.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>