Phun hóa chất dập dịch sốt xuất huyết: Có ảnh hưởng tới sức khỏe ?

06/03/2023 | 07:32 GMT+7

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2023 đã gia tăng số ca mắc, số ổ dịch nhỏ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xử lý kiểm soát dịch của ngành y tế gặp phải khó khăn, một số hộ dân không hợp tác khi triển khai phun hóa chất kiểm soát dịch, vậy việc phun hóa chất xử lý dịch có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Ông Võ Chí Đại (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ về vấn đề này.

Trước tiên xin ông cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong gần 2 tháng đầu năm nay đã tăng như thế nào, thưa ông ?

- Tính từ đầu năm đến ngày 20-2, toàn tỉnh ghi nhận 101 ca mắc sốt xuất huyết, ghi nhận 17 ổ dịch nhỏ, không có ca tử vong, trong khi cùng kỳ năm 2022 hầu như không có ca bệnh sốt xuất huyết. Dịch tập trung nhiều nhất ở thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành. Ngành y tế, đặc biệt là y tế dự phòng đã chủ động tham mưu với lãnh đạo tỉnh và các viện đầu ngành đồng thời chỉ đạo tuyến dưới xử lý, giám sát kiểm soát dịch đối với 100% các ca bệnh, ổ dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý ca bệnh, ổ dịch tại công đồng còn gặp phải khó khăn một số người dân chưa hợp tác, không đồng ý phun hóa chất trong nhà khi ngành triển khai phun hóa chất diệt muỗi. Tình trạng này khiến xử lý ổ dịch chưa triệt để, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn và có thể tiếp tục lây truyền bệnh.

Người dân cần hợp tác khi ngành y tế phun hóa chất kiểm soát dịch sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi-rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ và vùng ven biển miền Trung. Do đặc điểm địa lý, khí hậu ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm. Bệnh do vi-rút Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 tip huyết thanh DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3 và DEN -4.

Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với tip vi-rút Dengue gây bệnh nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các tip vi-rút Dengue khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với tip vi-rút Dengue khác, bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue.

Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi-rút sau đó truyền vi-rút sang người lành qua vết đốt. Ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó quan trọng nhất là Aedes aegypti.

Vậy việc phun hóa chất xử lý dịch có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thưa ông ?

- Chúng tôi đang dùng Pekaper 50EC là chế phẩm được nhập từ Mỹ, dạng dung dịch, khi phun thì pha loãng với nước hoặc dầu hỏa theo tỷ lệ quy định tùy môi trường phun. Có những lưu ý khi sử dụng thuốc diệt muỗi Pekaper 50EC của nhà sản xuất. Các biện pháp an toàn khi phun thuốc đã được thực hiện, như: Mặc đồ bảo hộ lao động khi phun; không ăn uống và hút thuốc khi pha chế và phun hóa chất; tránh hít phải hơi hóa chất; không để hóa chất dính vào da, mắt; không đổ hóa chất thừa làm ô nhiễm nguồn nước, ao hồ; nếu dính da nên rửa với thật nhiều nước và xà phòng; nếu dính mắt thì rửa dưới vòi nước chảy trong 7-15 phút; nếu nuốt phải đưa nạn nhân đến cơ quan y tế gần nhất kèm theo nhãn sản phẩm.

Từ những khuyến cáo trên, người dân cần lưu ý khi ngành phun thuốc: Trước khi phun thuốc cần che đậy kín thức ăn tránh phun trực tiếp vào; trong khi phun thuốc, người dân không đi vào nơi đang phun thuốc trừ người có mặc đồ bảo hộ, khẩu trang; sau khi phun thuốc, từ 15-30 phút sau khi phun mới được đi vào nơi phun để tránh hít phải hơi thuốc còn lơ lửng trong không khí. Còn những hạt nhỏ (sương) thuốc bám trên bề mặt sàn nhà không nguy hại cho người. Như vậy, nếu tuân thủ đúng hướng dẫn việc phun thuốc sẽ không nguy hại đến sức khỏe người dân. Người dân cần thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế và hợp tác khi ngành phun hóa chất kiểm soát dịch để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch và an toàn sức khỏe.

Ông có khuyến cáo gì để phòng bệnh sốt xuất huyết, thưa ông ?

- Đến nay, bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh, vì vậy, diệt lăng quăng, bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống bệnh. Bệnh sốt xuất huyết thường có chu kỳ sau 4-5 năm lại tăng cao 1 lần do nguồn cảm nhiễm trong cộng đồng tăng cao (người chưa có miễn dịch đặc hiệu với bệnh sốt xuất huyết tăng cao).

Để khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra trong cộng đồng, ngành sẽ có kế hoạch dập dịch diện rộng ở các nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ để chủ động kiểm soát dịch, không để xảy ra dịch lớn. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đặc biệt là chính quyền địa phương trong công tác vận động người dân hợp tác xử lý ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về mục đích và lợi ích của việc phun hóa chất diệt muỗi. Truyền thông cho người dân bằng nhiều hình thức về cách phòng, chống muỗi đốt (dùng nhang xua muỗi, ngủ mùng kể cả ban ngày…), diệt lăng quăng, bọ gậy trong các vật chứa nước, khai thông cống rãnh, vệ sinh xung quanh nhà thông thoáng tránh muỗi trú ngụ phát triển.

Để chủ động phòng, chống dịch, chúng tôi cũng sẽ tham mưu với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh tổ chức các đợt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2023.

“Nếu tuân thủ đúng hướng dẫn việc phun thuốc sẽ không nguy hại đến sức khỏe người dân. Người dân cần thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế và hợp tác khi ngành phun hóa chất kiểm soát dịch để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch và an toàn sức khỏe”, ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhấn mạnh.

 

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>