Nguy cơ từ “lỗ hổng” tiêm vắc-xin sởi

28/03/2024 | 08:30 GMT+7

Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi trong 2 năm gần đây đã giảm một cách đáng lo, tạo ra “lỗ hổng” tiềm ẩn nguy cơ bệnh sởi quay trở lại và lây lan ở tỉnh trong tương lai.

Tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất cho trẻ hiện nay.

Có năm tỷ lệ tiêm sởi mũi 1 giảm đến hơn 20%, vì sao ?

Trao đổi về kết quả tiêm vắc-xin sởi trong 5 năm gần đây, ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Giai đoạn từ năm 2019-2021, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi của tỉnh đạt rất cao cả tiêm sởi mũi 1 và mũi sởi - rubella. Tỷ lệ dao động từ 96-99,3% và không có sự chênh lệch nhiều giữa 2 mũi tiêm (mũi 1 và mũi sởi - rubella). Nhưng đến năm 2022, 2023 tỷ lệ 2 mũi tiêm phòng bệnh sởi đều giảm và có sự chênh lệch tỷ lệ tiêm giữa 2 mũi nhiều hơn. Cụ thể năm 2022 chỉ có 76,3% trẻ được tiêm vắc-xin sởi mũi 1 và 85,1% trẻ được tiêm mũi sởi - rubella, chênh lệch nhau gần 10%. Tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi sởi 1 đã giảm hơn 20% so với năm 2021. Năm 2023, tỷ lệ tiêm sởi mũi 1 đạt 89%, mũi sởi - rubella đạt 78%”.

Đồng nghĩa là có rất nhiều trẻ hiện chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tỷ lệ miễn dịch cộng đồng phải đạt từ 90-95%

Xã Hoà Mỹ, huyện Phụng Hiệp, là địa bàn có dân số nằm trong tốp cao của tỉnh, có năm chỉ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đạt trên 50%. Bà Võ Thị Ngọc Ánh, cán bộ phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng Trạm Y tế xã Hòa Mỹ, cho biết: “Năm 2022, tỷ lệ tiêm thấp, chỉ có 164 trẻ được tiêm vắc-xin sởi trên 283 trẻ thuộc đối tượng tiêm, đạt gần 58%. Nhưng năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên, đạt 90%”.

Tỷ lệ tiêm không ổn định, chưa đạt cao như những năm trước do đâu?

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi thấp, các cơ sở y tế khẳng định không phải vì lý do gia đình không đồng ý tiêm cho trẻ. Bà Ngọc Ánh thông tin: “Trái lại người dân còn ý thức, quan tâm đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh theo lịch cố định của trạm từ ngày 3-5 hàng tháng. Nguyên nhân chưa tiêm là do thiếu vắc-xin hay trẻ bị bệnh hoãn tiêm, trẻ chống chỉ định theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hiện tại, chúng tôi vẫn tiêm trả mũi cho các trẻ dưới 24 tháng tuổi. Để nâng cao miễn dịch cộng đồng về bệnh sởi”.

Theo số liệu giám sát của ngành y tế tỉnh, trong hơn 3 năm gần đây tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi. Trong khi, trước đó vào năm 2019, 2020 ghi nhận lần lượt 93 và 68 ca bệnh sởi. Các ca bệnh xảy ra các năm trước ghi nhận ở tất cả các huyện, thị, thành phố, nhưng nhiều nhất là ở huyện Phụng Hiệp ghi nhận 50 ca bệnh và huyện Châu Thành A ghi nhận 36 ca bệnh trong 2 năm này.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm nếu có ca bệnh sởi

Dù không ghi nhận ca bệnh sởi, nhưng với “lỗ hổng” tiêm vắc-xin trong 2 năm gần đây tiềm ẩn nguy cơ dịch sởi có thể xâm nhập và phát triển thành dịch.

Theo phân tích của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi họp giao ban với 20 tỉnh, thành phố phía Nam về bệnh sởi mới đây, nguy cơ dịch sởi trở lại là luôn tiềm ẩn. Vì bệnh sởi đã gia tăng ở châu Âu, một số nước lân cận Việt Nam, trong khi hiện nay giao thương, đi lại thuận tiện. Trước nguy cơ này, viện yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường quan tâm phát hiện sớm ca bệnh sởi nếu có để kịp thời cách ly, điều trị, hạn chế lây nhiễm cho nhiều người khác. Để chủ động phòng, chống dịch sởi, các cơ sở y tế của tỉnh đã chú ý hơn trong quá trình khám, chữa bệnh, phát hiện sớm ca bệnh sởi nếu có.

Bà Huỳnh Thị Kim Mai, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Chúng tôi chủ động khai thác triệu chứng và phân loại những trường hợp có dấu hiệu bệnh ngay từ khâu tiếp nhận. Nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sởi sẽ bố trí khám tại phòng khám bệnh truyền nhiễm kịp thời phát hiện và hạn chế nguy cơ lây chéo nếu có ca bệnh sởi trong quá trình khám bệnh, thời gian qua không ghi nhận các trường hợp bệnh sởi”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trong mạng lưới tăng cường giám sát phát hiện sớm nếu có ca bệnh sởi trên địa bàn. Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây ra. Biểu hiện của bệnh bao gồm sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng... Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc-xin mang tính bền vững”.

Thực tế cho thấy, việc triển khai rộng rãi tiêm vắc-xin sởi trong nhiều năm qua đã giúp tỉnh khống chế thành công bệnh sởi.

Hệ thống giám sát trường hợp bệnh sởi đã được triển khai một cách hệ thống trong nhiều năm qua trên toàn tỉnh và đang tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh sởi  cộng đồng nếu có. Đối với cộng đồng, ông Lê Văn Chúc khuyến cáo: “Từng hộ gia đình cần nhận biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sởi. Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nếu có. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hay nghi mắc bệnh sởi, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Người dân trong cộng đồng khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời”.

Ai cần tiêm vắc-xin sởi và tiêm thời điểm nào ?

Đối tượng tiêm vắc-xin sởi là trẻ nhỏ, trẻ được tiêm 2 mũi (mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi). Đối tượng khác nếu chưa được tiêm vắc-xin sởi trước đó cần tiêm 1 mũi.

Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín. Tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất cho trẻ.

---------------------------

Bộ Y tế đề nghị tăng cường chỉ đạo phòng, chống bệnh sởi

Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước thông tin về tình hình mắc bệnh sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác trên 40 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố và không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Yêu cầu các tỉnh, thành tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng...

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>