Nâng cao năng lực y tế cơ sở

29/09/2021 | 07:51 GMT+7

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn lâu dài, nên vai trò của y tế cơ sở càng được chú trọng, để thực sự là “người gác cổng” bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay từ xã, phường, thị trấn.

Người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế ngày một nhiều hơn.

Bài 1: Người dân không còn… ngó lơ trạm y tế

Dù còn những khó khăn, hạn chế, nhưng y tế cơ sở đã dần tạo được niềm tin với người dân. Nếu trước đây mỗi ngày lác đác vài người tìm đến, thì nay con số tăng lên gấp nhiều lần.

Tạo niềm tin với người dân

Ông Trần Văn Lộc, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, năm nay đã ngoài 70 tuổi, trong người có nhiều bệnh. Trước đây, ông thường đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh. Nhưng giờ, mỗi khi trái gió, trở trời, ông chọn đến khám tại trạm y tế xã. Ngoài việc gần nhà thì thái độ phục vụ của các nhân viên y tế tại đây làm ông an tâm. “Dịch bệnh hạn chế đi lại, bệnh thông thường thì trạm y tế trị được, không cần lên tuyến trên. Bác sĩ, điều dưỡng có đầy đủ, tư vấn, khám nhiệt tình. Tôi uống thuốc theo toa bác sĩ vài ngày là khỏe”, ông Lộc chia sẻ.

Bác sĩ đa khoa Nguyễn Cẩm Tú, Trưởng Trạm Y tế xã Vị Tân, cho biết: Mỗi ngày, trung bình trạm khám bệnh khoảng 10 người, đa số là những bệnh thông thường, khi nào vượt khả năng thì trạm chuyển lên tuyến trên. Bệnh nhân của trạm thường là người già hoặc người lao động, có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc, bị tăng huyết áp, đái tháo đường đến đây khám để nhận thuốc. “Trạm y tế hiện được phép cấp thuốc theo bệnh án, toa thuốc của Trung tâm Y tế thành phố, nhiều người mừng lắm vì đi lại thuận tiện, tiết kiệm chi phí, nhất là chấp hành nghiêm quy định phòng dịch của địa phương”, bác sĩ Tú bày tỏ.

Ở Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy đã được đầu tư máy siêu âm, máy đo điện tim và đầy đủ thuốc men nên nhiều người bệnh chọn trạm y tế để điều trị bệnh mà không cần phải lên tuyến trên. Mỗi ngày, trạm tiếp nhận trên 50 lượt đến khám, điều trị.

Bác sĩ CKI Phan Văn Hải, Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: Trước đây, muốn phối hợp cận lâm sàng thì phải chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, từ năm 2015, trạm đã được trên đầu tư máy siêu âm, máy đo điện tim giúp phục vụ tốt cho công tác khám lâm sàng và cận lâm sàng, từ đó có phương án điều trị phù hợp, tiện lợi cho bà con.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở tỉnh, người dân được khuyến cáo thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế, nhiều chốt kiểm soát được lập nên nhằm bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, người dân được yêu cầu không ra khỏi “vùng xanh” nên các trạm y tế chính là nơi để bà con tìm đến khi có vấn đề về sức khỏe. Theo bác sĩ CKII Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ: Thị xã Long Mỹ thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16, “ai ở đâu ở đó”, người dân thị xã có bệnh thì xã nào đến trạm xã đó, hạn chế ra khỏi địa bàn. Nếu vượt khả năng trạm đó thì trạm sẽ liên hệ và Trung tâm Y tế thị xã sẽ có xe cấp cứu 24/24 xuống đưa về khám và điều trị.

Trạm y tế xã, phường từ lâu, dù được đầu tư về nhân lực, trang thiết bị, nhưng bị… ngó lơ thì nay được nhiều người bệnh tin tưởng. Ngoài yếu tố chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao thì theo nhiều bệnh nhân, việc đến khám tại trạm y tế địa phương giúp họ tiết kiệm chi phí, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Trạm y tế cơ sở đã được đầu tư khang trang từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị.

Chất lượng được quan tâm

Cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị y tế đảm bảo, nguồn nhân lực có chuyên môn là những yếu tố giúp mạng lưới y tế cơ sở ngày càng thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

75/75 trạm y tế cấp xã được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân từng bước được số hóa. Một số trạm y tế còn bước gần hơn với việc khám, chữa bệnh đòi hỏi chuyên môn cao khi được đầu tư trang thiết bị máy siêu âm, điện tim… Nhiều loại bệnh trước đây phải lên tuyến trên, nay được chữa trị ngay tại trạm y tế, vừa giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, vừa giúp đảm bảo phòng dịch. Đây là kết quả từ sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò nòng cốt của ngành y tế tỉnh nhà.

Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thông tin: “Có 6/8 trung tâm y tế tuyến huyện được nâng cấp, xây mới và được trang bị đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản trong khám, chẩn đoán và điều trị người bệnh. Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh đang triển khai thi công, còn lại Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ sẽ được xây mới trong giai đoạn 2022-2025. Các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng mới hoặc nâng cấp”.

Bên cạnh đó, các trung tâm y tế tuyến huyện được trang bị một số máy móc hiện đại, như máy siêu âm, máy nội soi, điện tim, mổ nội soi, chụp X-quang kỹ thuật số... Các trạm y tế tuyến xã cũng được đầu tư mua sắm thiết bị như máy siêu âm, điện tim, đo đường huyết, xét nghiệm. Danh mục phân tuyến kỹ thuật đạt 80% danh mục thiết bị theo quy định của Bộ Y tế.

Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng và chất lượng, hàng năm đều được đào tạo sau đại học, đại học và các đợt tập huấn ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân - ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết thêm.

“Đến cuối năm 2020, mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng mới hoặc nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản cho Nhân dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 cơ sở khám, chữa bệnh công lập hạng II và 7 cơ sở khám, chữa bệnh công lập hạng III”, ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, nhấn mạnh.

 

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Kỳ 2: Làm sao cho tròn vai “người gác cổng” ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>